Bến Tre: Bãi rác An Hiệp mở cửa trở lại
Bến Tre: Bãi rác An Hiệp mở cửa trở lại
Ngày 17/8/2023, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về kết quả khắc phục sự cố môi trường bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri.
Cả bộ máy chính trị vào cuộc
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre Cao Văn Dũng cho biết, trước tình hình ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp gây bức xúc cho người dân, ngày 17/7/2023, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng lãnh đạo ngành, địa phương liên quan (Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Ba Tri, UBND xã An Đức, An Hiệp) tổ chức cuộc đối thoại với hơn 80 người dân.
Tại buổi đối thoại này, lãnh đạo UBND tỉnh nhận trách nhiệm thiếu sâu sát, kiểm tra, xử lý bãi rác để ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân và cam kết khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp khắc phục, thời gian thực hiện trong vòng một tháng. Đến nay, sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp đã cơ bản được khắc phục. Ngày 17/8/2023, bãi rác An Hiệp đã được mở cửa lại với diện mạo hoàn toàn mới.
Ông Trịnh Minh Khôi – Phó Giám đốc TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết, công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp đã đạt hiệu quả, giảm được hơn 95% mức độ ô nhiễm mùi hôi, nước rỉ rác so với thời điểm cách đây một tháng. Các ao chôn lấp rác đã phủ bạt 100% để hạn chế nước rỉ rác, mùi hôi với diện phủ đạt được 20.700 m2 .
Hiện nay, mùi hôi đã giảm, nước mưa ngấm vào rác rỉ ra ngoài và không còn rác phát tán ra môi trường xung quanh. Bãi rác đã thực hiện gia cố chống thấm chân tường rào bao quanh với chiều dài 255m/255m, nước rỉ rác không còn rỉ thoát ra bên ngoài. Hiện nay, lượng nước rỉ rác được dẫn dòng, bơm về lưu chứa tập trung tại các ao sinh học trong khuôn viên bãi rác, không được phép thải ra bên ngoài khi chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, tường rào để chắn rác phát tán ra xung quanh đã được gia cố nâng cao hơn, thực hiện lắp đặt lưới B40 nâng cao lên với diện tích 92%; còn 30 m đoạn tường đang nghiêng, sụp chờ cải tạo lại thì thực hiện lắp đặt ngay (do các ao chôn lấp đã được phủ bạt nên rác thải sẽ không bay ra xung quanh). Ban Quản lý bãi rác hàng ngày phun xịt chế phẩm sinh học EM, hóa chất trong khu vực bãi rác để xử lý mùi hôi, ruồi, côn trùng; đồng thời hỗ trợ phun xịt thường xuyên cho các hộ gia đình sinh sống gần khu vực bãi rác bằng các chế phẩm an toàn theo khuyến cáo của ngành y tế.
Để đạt được kết quả như vậy, cả bộ máy chính trị của tỉnh đều tích cực vào cuộc. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, các Phó Chủ tịch cùng lãnh đạo các ngành Tài nguyên Môi trường, Công an, Trật tự đô thị, UBND huyện Ba Tri, xã An Đức, An Hiệp… suốt một tháng qua đã “ăn ngủ” cùng những vấn đề của bãi rác!
Tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư
Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong bối cảnh hiện nay, việc mở lại bãi rác An Hiệp để tiếp nhận, xử lý rác thải của huyện Ba Tri và của tỉnh là giải pháp duy nhất và tốt nhất, trong khi chờ Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tái đầu tư và đi vào hoạt động trở lại (Dự kiến vào năm 2026, do Tập đoàn Amacao thực hiện).
Về cơ bản, bãi rác An Hiệp đã khắc phục được ô nhiễm môi trường và sẽ thực hiện phương án tiếp nhận chôn lấp rác hợp vệ sinh, hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm. Vị trí bãi rác được quy hoạch là một trong những khu xử lý rác thải của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, xử lý rác thải cho vùng kinh tế biển, phát triển kinh tế hướng Đông. Do đó, vấn đề của chính quyền là kiên trì vận động người dân ủng hộ phương án này và sau ngày 19/8/2023 sẽ đưa rác về bãi rác An Hiệp chôn lấp hợp vệ sinh, công tác xử lý đảm bảo đúng quy định về bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác động đến cuộc sống của người dân lân cận.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị quản lý bãi rác An Hiệp (Ban Quản lý Công trình giao thông đô thị và vệ sinh môi trường huyện Ba Tri) khi tiếp nhận, xử lý rác phải thực hiện theo quy trình chôn lấp rác hợp vệ sinh: rác được chuyển vào ao chứa rác có gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, chỉ đổ rác gói gọn một điểm (không đổ tràn lan), phun xịt và kéo bạt ngay sau khi đổ rác…, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Tiếp theo, bãi rác cũng khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải (dự kiến công suất 30m3/ngày đêm, kinh phí khoảng 4 tỷ đồng) để xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài (Dự kiến sẽ hoàn thành trong 6 tháng). Đồng thời, nhanh chóng mở rộng thêm 3 ha diện tích bãi rác (hiện tại là 4,8 ha) để tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải; tạo vùng đệm bằng cách trồng cây xanh, hạn chế tác động của bãi rác đến cuộc sống người dân xung quanh.
Đặc biệt, các cấp ngành phải quan tâm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân sống lân cận bãi rác An Hiệp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân theo quy định pháp luật.
Theo Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ duy nhất huyện Thạnh Phú là có nhà máy xử lý rác thải, còn lại đều là các bãi chôn lấp. Ngoài Tập đoàn Amacao, tỉnh cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư khác xây dựng thêm nhà máy xử lý rác. Đến giữa tháng 8/2023, đã có 5 nhà đầu tư mong muốn xây dựng nhà máy tại Ba Tri.
Sắp tới sẽ tổ chức danh mục đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư phù hợp. Ngoài ra, theo tiêu chí kêu gọi đầu tư, Nhà máy xử lý rác thải An Hiệp phải có công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện môi trường để bảo đảm công tác xử lý rác thải của huyện trong tương lai, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị