Bến đổi khí hậu: Cỏ biển – “đồng minh” đắc lực của con người kêu cứu
Bến đổi khí hậu: Cỏ biển – “đồng minh” đắc lực của con người kêu cứu
Khả năng hấp thụ carbon của thực vật khiến cỏ biển trở thành “đồng minh” quan trọng của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên “đồng minh” này đang bị con người tàn phá.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học lớn nhất thế giới vào ngày 3/9 tại thành phố Marseille (Pháp) bên bờ Địa Trung Hải, các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo một loài cỏ biển đang bị đe dọa do hoạt động của con người.
Được đặt tên là posidonia oceanica – hay “cỏ Neptune” – theo tên vị thần biển trong thần thoại Hy Lạp, loài thực vật này bao phủ ít nhất 1 triệu ha dưới đáy biển Địa Trung Hải, trải dài từ Cộng hòa Cyprus đến Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, theo mạng lưới Posidonia Địa Trung Hải, diện tích thực tế của cỏ Neptune có thể còn lớn hơn nhiều so với con số trên, vì không có nhiều dữ liệu về loài cỏ này ở các quốc gia ven biển phía Đông và phía Nam.
Những đồng cỏ biển từ lâu đã là “nạn nhân” của các hoạt động liên quan tới tàu, thuyền.
Theo số liệu chính thức, ước tính khoảng 7.500ha cỏ Neptune đã bị tàn phá chỉ tính riêng dọc bờ biển của Pháp.
Người phát ngôn cơ quan quản lý hàng hải Địa Trung Hải Thibault Lavernh cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc neo đậu tàu, thuyền.
Khi một chiếc thuyền thả neo, chiếc neo sẽ chạm đáy biển và gây ra hiệu ứng tàn phá cỏ biển.
Việc nhổ neo cũng có tác động tương tự. Vì cỏ biển phát triển chậm, chỉ vài cm mỗi năm, những tác động trên có thể mất nhiều thời gian để cỏ biển phục hồi.
Trong một bức thư ngỏ được công bố tháng này trên nhật báo Le Monde của Pháp, 10 nhà khoa học của Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã nhấn mạnh những lợi ích thiết yếu mà cỏ biển mang lại “cho toàn thể nhân loại.”
Thư nêu rõ các đồng cỏ biển đóng vai trò là nơi sinh sản và nuôi dưỡng các loài cá sống dọc theo bờ biển, từ loài phổ biến đến loài hiếm nhất.
Nhiều loài động vật phụ thuộc vào chúng, bao gồm cả những động vật không xương sống nhỏ bé vốn là nguồn thức ăn cho cá.
Ông Arnaud Gauffier, Giám đốc bảo tồn của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) chi nhánh tại Pháp, cho biết khả năng hấp thụ carbon của thực vật khiến cỏ biển trở thành “đồng minh” quan trọng của con người trong cuộc chiến chống tình trạng ấm lên toàn cầu.
Các loài thực vật giúp bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn, cả khi chúng bám rễ chắc vào đáy biển và khi chúng dạt vào bờ biển.
Những ngọn cỏ chết tập trung dọc theo các bãi biển và trộn lẫn với cát tạo thành những bãi bờ lớn bảo vệ bờ biển.
Tuy nhiên, ông Gauffier nhấn mạnh không may là con người chưa hiểu rõ về hệ sinh thái khi một số người còn xem hiện tượng này là một điều bất tiện khiến họ không thể thoải mái bơi lội.
Trong nỗ lực ngăn chặn các hoạt động gây thiệt hại cỏ biển Địa Trung Hải, Pháp đã cấm các tàu thuyền lớn có chiều dài hơn 24m thả neo ở các khu vực nhạy cảm.
Quần đảo Balearic của Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp tương tự vào năm 2018.
Các nỗ lực bảo tồn cỏ biển của quần đảo này, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức trong trường học và lễ hội cỏ biển, đã được WWF đánh giá là hình mẫu mà các quốc gia khác có thể học tập./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị