“Bệ phóng VinUni đã giúp tôi tự tin bước ra thế giới”

Chọn VinUni vì… những thầy cô giàu khát vọng

Trần Hương Lan đam mê tin học từ bé. Vì thế em đã quyết định thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT chuyên Bắc Ninh và phấn đấu trở thành học sinh xuất sắc trong suốt 3 năm học. Lan luôn mơ ước được vào học ở một trường đại học có khoa, ngành Công nghệ Thông tin.

Trần Hương Lan – cử nhân niên khóa đầu tiên Viện Kĩ thuật và Khoa học máy tính VinUni tốt nghiệp với thành tích xuất sắc.
Trần Hương Lan – cử nhân niên khóa đầu tiên Viện Kĩ thuật và Khoa học máy tính VinUni tốt nghiệp với thành tích xuất sắc

“Lúc đó (năm 2010), em chưa biết đến VinUni. Thế rồi các giảng viên của VinUni đã về Trường THPT chuyên Bắc Ninh nói chuyện. Những chia sẻ của các thầy cô, đặc biệt của PGS. Phạm Ngọc Nam (Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni – PV), khiến em cảm động và hoàn toàn bị thuyết phục. Em nhận ra VinUni chính là nơi mình muốn trải nghiệm cuộc đời sinh viên”, Lan chia sẻ.

Bằng nỗ lực học tập, Lan đã trúng tuyển và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của VinUni. Lan cho biết, không chỉ có buổi trò chuyện ở trường cấp 3 năm nào, 4 năm học tại VinUni, em đã luôn được truyền lửa bởi sự tận tâm và đam mê của các giảng viên, trong đó có người thầy của mình, PGS. Phạm Ngọc Nam.

“Các thầy cô thể hiện rõ đam mê và khát vọng muốn đóng góp cho giáo dục Việt Nam, để nền khoa học kỹ thuật của chúng ta ngày nào đó có thể sánh ngang với các nước phát triển. Sẽ thật tự hào khi được là một phần trong hành trình đó”, Trần Hương Lan chia sẻ.

Đúng như mường tượng của Trần Hương Lan, môi trường giáo dục ở VinUni mang tới cho em những năm tháng đầy ý nghĩa. Nhất là khi em luôn được đồng hành, dẫn dắt bởi những giảng viên xuất sắc về chuyên môn, nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học và tận tình với sinh viên.

“Có lần, em gửi email cho một thầy hỏi về sự minh bạch, chính trực trong nghiên cứu khoa học. Thay vì nhận được một câu trả lời ngắn gọn hay một đường link nào đó, em nhận được một bài chia sẻ rất tâm huyết, mà chắc hẳn thầy đã dành nhiều thời gian để viết. Em luôn tự nhắc nhở bản thân, mình đang được học với những giảng viên rất tuyệt vời”, Lan nói.

Tân cử nhân Hương Lan (mặc áo nâu, ngồi hàng đầu) trong ngày hội STEAM với Trung tâm Đổi mới sáng tạo của VinUni.
Tân cử nhân Hương Lan (mặc áo nâu, ngồi hàng đầu) trong ngày hội STEAM với Trung tâm Đổi mới sáng tạo của VinUni.

“Những giảng viên tuyệt vời” đã không chỉ trang bị cho Lan đầy đủ kiến thức mà còn trao cho em nhiều cơ hội quý giá, đặc biệt là cơ hội đặc tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế của các nhà khoa học hàng đầu. Khi đại dịch bùng phát, Lan cùng PGS. Helen Nguyễn (ĐH Illinois Urbana-Champaign, Mỹ), thầy Minh Đỗ (Phó Hiệu Trưởng Danh Dự) và bạn Nguyễn Hoàng Trung Dũng (cử nhân 2024) cùng team Vishc đã được tham gia dự án thiết kế máy lấy mẫu tìm nguồn bệnh Covid-19). Dự án này đã giúp VinUni tiết kiệm hơn 12.000 USD so với việc đặt mua máy từ Mỹ.

“Em được làm việc trực tiếp với các giảng viên và sinh viên từ ĐH Illinois Urbana-Champaign, từ khâu thiết kế, mua linh kiện, đến việc test sản phẩm. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm mà còn giúp em cùng các bạn học được rất nhiều về điện tử và cách thiết kế các linh kiện”, Trần Hương Lan kể.

Khi nhìn lại 4 năm học ở VinUni, Lan cho biết, chính các giảng viên đã truyền lửa đam mê giúp em luôn không ngừng học hỏi và nhận ra, quả ngọt chỉ đến bằng sự nỗ lực khám phá và sống có mục đích. Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất với em không chỉ là khi bản thân đạt được thành tựu lớn, mà đó là bản thân có thể tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng. Và cũng chính “bệ phóng” VinUni đã giúp Hương Lan và các sinh viên khác trưởng thành nhanh hơn để tự tin bước ra thế giới.

Bước ra thế giới với giá trị xuất sắc của VinUni

Ngay năm học thứ 4 ở VinUni, Trần Hương Lan nhận được học bổng Master Research Scholar của Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ (EPFL) – trường nổi tiếng hàng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và khoa học tự nhiên. Đây chính là cánh cửa giúp Lan bước ra ngoài thế giới rộng mở. Em có cơ hội thể hiện bản thân, và nhận được sự đánh giá cao từ các thầy cô hướng dẫn.

Được biết, chương trình học bổng Master Research Scholar của EPFL rất cạnh tranh. Hàng năm, trong khoảng 1.000 ứng viên thì chỉ có khoảng 15 người được lựa chọn do tiêu chí đặc biệt khắt khe. Với học bổng này, sau khi tốt nghiệp VinUni, Lan sẽ tiếp tục theo học Thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính, có cơ hội tham gia nghiên cứu tại lab Machine Learning for Education của Trường Khoa học Máy tính và Truyền thông, EPFL.

ĐH VinUni mang lại những giá trị xuất sắc cùng tinh thần nhân văn cho 145 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp bước ra chinh phục thế giới.
ĐH VinUni mang lại những giá trị xuất sắc cùng tinh thần nhân văn cho 145 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp bước ra chinh phục thế giới.

“Em sẽ không thể đặt được chân vào trung tâm nghiên cứu này nếu không có “bệ phóng” VinUni và sự chắp cánh của những giảng viên đầy đam mê và tâm huyết”, Lan xúc động nói.

Mới đây, GS. Haris Doumanidis, Viện trưởng đầu tiên của Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính VinUni đã gửi thư cho tất cả sinh viên sắp tốt nghiệp. Trong thư có một đoạn mà Lan rất tâm đắc: “Các em có nhớ thí nghiệm lò xo Newton mà chúng ta đã thực hiện, khi treo lò xo từ trên cao và kéo đầu kia của nó xuống thấp nhất có thể, để bắn nó lên cao nhất có thể? Đó chính là bài học về sự khiêm tốn – không phải sự kiêu ngạo – làm nền tảng cho cuộc sống học thuật và nghề nghiệp, vì nó thúc đẩy chúng ta như những người chưa biết để học hỏi thêm, và như những người phục vụ để giúp đỡ xã hội của mình”.

“Em rất cảm động vì dù chỉ được học thầy trong vài tháng đầu nhưng sau 4 năm thầy vẫn nhớ tới chúng em, quan tâm hướng dẫn, chia sẻ những bài học ý nghĩa”, Trần Hương Lan nói và cho biết mình sẽ mang theo những giá trị xuất sắc cùng tinh thần nhân văn của VinUni trong hành trang bước ra chinh phục thế giới.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích