Bể ngầm chống ngập mới chỉ “giảm nhiệt“ chưa thể “giải nhiệt“

Bể ngầm chống ngập mới chỉ “giảm nhiệt“ chưa thể “giải nhiệt“

Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa – Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) để chống úng ngập khu vực phố cổ, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước.

tm-img-alt

Đây là việc làm cần thiết song chưa đủ để khắc phục tình trạng ngập úng tại Thủ đô.

Hiệu quả chỉ giải quyết cục bộ

Vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND, ngày 31/5/2024, về việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 của Ban cán sự Đảng và Tập thể lãnh đạo UBND TP liên quan đến “Tình trạng úng ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông và bức xúc cho người dân”.

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô là việc TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa – Phùng Hưng để chống úng ngập khu vực phố cổ.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng bể điều tiết ngầm nhằm giảm thiểu ngập úng tại Thủ đô là cần thiết. Song, đây chỉ là biện pháp “giảm nhiệt” chứ chưa thể “giải nhiệt” vấn đề nóng đã tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt với khu vực phố cổ.

Thực tế, các trạm bơm điều tiết hồ trong lưu vực thoát nước tại Hà Nội đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều sự cố đột xuất, bất thường; hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ cũng đã được đầu tư xây dựng từ những năm 1954 đến nay đã xuống cấp, sụt lún gây mất an toàn… không đáp ứng được khả năng tiêu thoát nước.

Hầm thu nước mưa trên phố Nguyễn Khuyến được xây dựng ngầm dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt.

Bể ngầm có thiết kế xây dựng bê tông cốt thép, dài 34 m, rộng 9 m, sâu 6,6 m, dung tích hầm chứa 2.000 m3. Giữa hầm có cột bê tông cốt thép để chống đỡ trần (sân trường học). Hầm được vận hành theo hình thức, khi mưa và có nước nổi trên đường, các hố ga thu nước đặt trên đường Nguyễn Khuyến, miệng có lưới sắt bảo vệ thu nước theo ống dẫn xuống hầm. Khi nước mưa trên hệ thống mạng cống thoát nước đã rút, 3 máy bơm của dự án hầm với công suất 750 m3/giờ sẽ hoạt động để bơm nước ra ngoài thông qua hệ thống thoát nước.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, các chuyên gia đề cập hiệu quả của hầm thu nước mưa được xây dựng dưới sân Trường THCS Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến) – hầm thu nước mưa đầu tiên của TP Hà Nội.

Hầm thu nước mưa được đưa vào sử dụng từ năm 2021, đến nay, đã góp phần giảm 70% mức độ ngập úng trên phố Nguyễn Khuyến, bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, phục vụ nhu cầu đi lại, cuộc sống của người dân trong khu vực.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trước đây, với các trận mưa dưới 50 mm phố Nguyễn Khuyến đã bị ngập, từ khi hầm chứa nước mưa đi vào hoạt động, tình trạng ngập úng trên tuyến phố này và một số khu vực lân cận đã cơ bản được xử lý. Đối với những trận mưa có cường độ từ 50 – 100 mm, trước đây phố Nguyễn Khuyến sẽ ngập từ 0,5 m đến 0,7 m, tuy nhiên, từ khi hầm chứa nước hoàn thành đi vào sử dụng, tình trạng ngập úng tuy vẫn diễn ra song đã giảm xuống từ 0,2 m – 0,3 m.

Công nhân thoát nước ứng trực làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho Thủ đô. Ảnh: Vân Nhi
Công nhân thoát nước ứng trực làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho Thủ đô. Ảnh: Vân Nhi

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước

Liên quan đến tình trạng ngập úng tại Thủ đô, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, với lượng mưa dưới 50 mm/giờ cơ bản địa bàn không úng ngập, có thể có một vài vị trí ứ đọng nước do địa hình trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Với các trận mưa có lượng mưa 50 – 70 mm/giờ trên địa bàn xuất hiện 11 điểm úng ngập; trên 70 mm/giờ hoặc mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống thoát nước làm phát sinh thêm 19 điểm úng ngập. Lý giải về nguyên nhân hiện tượng ngập úng, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, thực trạng trên xuất phát từ việc các dự án phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thoát nước chậm triển khai xây dựng, hoặc đã xây dựng nhưng chậm thanh thải, bàn giao đưa vào sử dụng.

Dẫn chứng về thực trạng trên, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, tại khu vực sông Tô Lịch, về cơ bản, hệ thống thoát nước đã được cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nhưng vẫn còn nhiều dự án thi công xong chưa thanh thải, bàn giao vào vận hành khiến công tác thoát nước gặp nhiều khó khăn, điển hình như các gói thầu CP3, CP4 cải tạo cống hóa của lưu vực sông Tô Lịch… Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công cũng bị chậm tiến độ, như đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội; gói thầu số 2, cống nước thải Yên Xá… khiến công tác tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn.

Tại lưu vực sông Nhuệ, về cơ bản địa bàn thoát nước tự chảy, phụ thuộc mực nước sông Nhuệ. Ở đây, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ theo quy hoạch, nhất là các trạm bơm đầu mối và hồ điều hòa. Nhưng hiện nay, sông Nhuệ chưa được cải tạo, bị vi phạm lấn chiếm, chưa điều tiết được mức nước một cách chủ động. Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành còn hạn chế do vướng công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn La Khê. Tại lưu vực Long Biên, hình thức thoát nước chính là tự chảy ra sông Cầu Bây – Bắc Hưng Hải do ngành nông nghiệp quản lý. Hiện chưa xây dựng được các trạm bơm đầu mối theo quy hoạch nên chưa chủ động điều tiết được mực nước trên hệ thống thoát nước, gây úng ngập tại một số khu vực trũng khi mưa lớn…

PGS.TS Đặng Minh Hải – Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, Hà Nội đang triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 725/TTg ngày 10/5/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại khu vực nội thành giới hạn từ khu vực sông Hồng đến đường Vành đai 4, đến năm 2030, hệ thống các trạm bơm tiêu thoát nước phải đạt công suất trung bình 503 m3/s. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, Hà Nội mới xây dựng được một số trạm bơm có công suất đạt 234 m3/s, bằng 47% so với công suất thiết kế theo quy hoạch.

Tương tự, việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến thu gom nước mưa cũng được triển khai với tiến độ chậm so với yêu cầu. Do đó, để khắc phục tình trạng ngập úng tại Thủ đô, một trong những nhiệm vụ mà Hà Nội cần thực hiện, đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thoát nước.

Năm 2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất UBND TP cho phép triển khai 3 vị trí bể ngầm thu, điều tiết nước mưa gồm: phố Nguyễn Khuyến; Đường Thành và ngã ba phố Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu. Đến thời điểm này mới có hầm thu nước mưa trên phố Nguyễn Khuyến hoàn thành đi vào sử dụng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích