BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn của dòng vốn
BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn của dòng vốn
Dù thời gian giãn cách của Hà Nội chiếm phần lớn quý III nhưng lượng giao dịch BĐS không giảm mạnh, giá nhà vẫn tăng.
Tại cuộc họp trực tuyến Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký VARS nhận định: “Thị trường BĐS thời gian qua chịu ảnh hưởng chung do dịch Covid kéo dài. Các dự án phát triển phải ngừng hoạt động xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư, đứt gãy các chuỗi sản xuất cung cấp vật liệu, thiết bị cho các công trình làm ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường.
Đồng thời do phải giãn cách xã hội ở hầu hết các Tỉnh/Tp trên cả nước làm thị trường giao dịch BĐS ngưng trệ, dừng lặng. Giao dịch trên thị trường vì vậy suy yếu”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, quý III/2021, nguồn cung BĐS cả nước tính chung trên các phân khúc từ chung cư cho đến đất nền… đều có số lượng khá ấn tượng trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, thị trường BĐS vẫn có tới 35.800 sản phẩm được tung ra và lượng giao dịch đạt trên 16.600 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ của quý III vẫn tương đương 41%; trong đó, đất nền có tỉ lệ hấp thụ cao nhất, đạt trên 51%.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Chí Nghĩa – Phó Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, các hoạt động tìm kiếm, chăm sóc, chốt giao dịch với khách hàng được sử dụng công nghệ và trở thành sức mạnh của các công ty môi giới.
Đặc biệt, công nghệ giữ cho công ty môi giới có thể quản trị tốt và giữ vị thế trên thị trường. Quan hệ của khách hàng và môi giới được nâng lên một tầm mới, thậm chí chốt khách ngay trên các giao dịch online.
“Tại phân khúc căn hộ, có khoảng 1.000 giao dịch diễn ra trong quý III; trong đó có hơn 500 giao dịch thuộc phân khúc cao cấp và 1/3 lượng hàng bình dân được thanh khoản.
Điều này cho thấy, nhu cầu ở thật được ghi nhận tăng mạnh trong mùa dịch. Sản phẩm căn hộ nằm chủ yếu tại các địa bàn Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… vẫn được giao dịch khá tốt”, ông Nghĩa nói.
Thị trường bất động sản tăng mạnh mùa dịch (Ảnh minh họa)
Tại phân khúc đất nền và liền kề, lượng hàng bán chiếm khoảng 50% lượng cung ra thị trường cho thấy nhu cầu đầu tư khá cao.
Ông Nghĩa cho rằng, điều này cho thấy nhu cầu đầu tư vẫn khá là cao, các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn lựa chọn BĐS là kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn của mình. Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế nhưng các nhà đầu tư không ngồi yên và dòng vốn tiếp tục đổ vào BĐS như ưu tiên số 1.
Ông Nghĩa cũng nhận định thêm về tình hình thị trường BĐS sau khi có sự nới lỏng giãn cách: “Chỉ mới mở cửa vài ba ngày, thị trường đã hoạt động sôi động trở lại”.
Đánh giá chung về thị trường Hà Nội trong quý III, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định: “Nhìn chung tại thị trường Hà Nội, nhà đầu tư vẫn giữ được “sức khỏe” mặc dù lực tiêu dùng giảm sút nhưng lực đầu tư vẫn duy trì. Đặc biệt, các sàn giao dịch BĐS vẫn hoạt động tốt, tỉ lệ các sàn phải rời khỏi thị trường chiếm 30%”.