“Bắt mạch trời” nơi đảo xa
Đối với tôi, may mắn của người làm báo là được đi và trải nghiệm những vùng đất xa xôi, nơi không phải nhiều người được dịp đặt chân tới. Chuyến hải trình theo đoàn công tác ra thăm, động viên và làm việc với những quan trắc viên khí tượng thủy văn trên đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) mới đây là một trong những chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất trong đời làm báo.
Đêm đầu tiên đặt chân lên đảo, đoàn công tác có dịp ghi lại những công việc thầm lặng của những quan trắc viên khí tượng. Tiếng sóng biển vỗ bờ xen lẫn tiếng ào ào của gió, giữa không gian hoang sơ nơi đồi khí tượng Bạch Long Vĩ thật khác biệt so với ở đất liền. Những bước chân nhanh nhẹn và dứt khoát của anh Nguyễn Đình Tuấn (cán bộ Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ) trên lối mòn dẫn chúng tôi men theo triền đồi lên vườn khí tượng. Vừa lia ánh đèn pin, anh Tuấn vừa kể, mọi sinh hoạt ở đây đều chuẩn chỉnh như quân đội vì giờ trực lấy số liệu phải đúng từng giây. Bằng mọi cách phải có dữ liệu gửi vào bờ, khó khăn mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ.
Quan trắc viên làm việc trên đồi khí tượng lúc 1 giờ sáng. |
“Hôm nay thời tiết thuận lợi để chúng ta di chuyển lên đồi khí tượng. Những hôm thời tiết xấu, mưa bão, hành trình lên đây thực sự vất vả, khó có thể tả hết. Chỉ cần những hôm gió cấp 6, cấp 7 chứ chưa nói đến bão, với sức gió của biển, để leo lên đồi khí tượng dù chỉ cao gần 100m so với mực nước biển, nếu không bò xuống, quan trắc viên sẽ bị gió quật ngã ngay”, anh Tuấn kể.
Những bước chân thoăn thoắt di chuyển từ cột đo nhiệt độ nước sang cột đo tốc độ gió, cột đo lượng mưa… của anh Tuấn cho thấy anh đã làm những công việc này rất thường xuyên. Sau khi hoàn thành các thao tác liên quan đến công tác đo, thu nhập dữ liệu quan trắc để báo cáo, anh Tuấn kể, theo quy định của ngành Khí tượng, trong điều kiện bình thường, một ngày các trạm phải thu thập và phát báo 8 lần vào 1h, 4h, 7h… Mỗi lần như vậy gọi là 1 Obs. Ở Bạch Long Vĩ, chế độ quan trắc thực hiện 24/24, phát báo 8 Obs/ngày đối với khí tượng, 4 Obs/ngày đối với thủy văn và thả bóng quan trắc thám không hàng ngày. Anh em trên đảo thực hiện quan trắc ở cả 3 hạng mục: Khí tượng (đo gió; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; giáng thủy; bốc hơi; khí áp; thời gian nắng; mây; tầm nhìn ngang; hiện tượng khí tượng…); hải văn (đo mực nước; nhiệt độ nước; độ mặn; sóng…) và thám không vô tuyến.
Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ, nằm trên một trong tám ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển. Thời gian đi từ đất liền ra đảo và ngược lại mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Dù không nói ra, nhưng tôi dám chắc, những đồng nghiệp trong đoàn công tác của tôi khi chạm chân lên hòn đảo này, tất cả đều có chung một cảm xúc mạnh mẽ về cảnh vật nguyên sơ, về khí chất của quân và dân trên đảo và sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian của đảo nhỏ giữa trùng khơi. |
Sáng hôm sau, trời trở gió, cơn mưa nặng hạt trút xuống đảo Bạch Long Vĩ. Theo chân quan trắc viên Đinh Thị Ngoan (cán bộ Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ) ra khu vực nhà triều kí thực hiện Obs hải văn lúc 7h sáng, chúng tôi được chứng kiến Obs làm việc vất vả của chị ra sao để có những bản tin chính xác về phục vụ công tác dự báo giúp tàu thuyền và ngư dân an toàn ra khơi. Mặc chiếc áo phao, lội ra biển đến chiếc cọc ghi chỉ số độ cao sóng, chị Ngoan dường như vận dụng hết kỹ năng, vừa đi vừa dò tìm vị trí thích hợp để tránh những con sóng đang trực xô vào bờ.
“Quan trắc ở biển, nguy hiểm nhất là những ngày bão và giông. Khủng khiếp lắm anh ạ! Làm xong một Obs, vào đến trạm là thấy mình còn sống, là thấy mình hạnh phúc. Nhưng anh biết không, những hôm bão lớn, chúng em thường đi 3 người ra biển, vừa thay nhau quan trắc, vừa hỗ trợ cứu nạn, nếu có người gặp nguy hiểm vì gió to, sóng lớn. Ra đảo 5 năm rồi, mãi cũng thành quen anh ạ!”, quan trắc viên Đinh Thị Ngoan chia sẻ.
Những ngày cuối năm, không khí đón Tết rộn ràng đang lan tỏa khắp phố phường, với những “người lính” khí tượng, Tết cũng không khác ngày thường là mấy. Ngay cả đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm mới, mọi người vẫn thay nhau làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để có thông tin thời tiết phục vụ nhân dân.
Anh Đào Vĩnh Hà – Trạm phó Trạm hải văn Bạch Long Vĩ, tâm sự: “Ở ngoài đảo, mỗi khi Tết đến cũng có đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành trong mâm cỗ truyền thống. Chỉ khác là không có sự náo nhiệt. Xung quanh chỉ có máy móc, thiết bị, sóng gió và biển trời bao la… Bà con đi làm ăn ở đảo, Tết trở về đất liền đoàn tụ với gia đình, thành ra đảo đã thưa lại càng vắng. Ngày Tết ai cũng muốn sum họp, quây quần bên người thân, nhưng đã lựa chọn cái nghề “đếm gió, đo mưa” này thì luôn xác định nhiệm vụ là trên hết. Với chúng tôi, Tết quan trọng nhất vẫn là thông tin gửi về đất liền”.
Hiện trên đảo có 5 quan trắc viên làm việc tại Trạm, mỗi người ở một địa phương khác nhau nhưng khi được phân công ra đảo làm việc, tất cả đều gắn bó, chia sẻ, quý nhau như người thân của mình. Thông qua công việc quan trắc hàng ngày của ngành khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin thời tiết, sức gió, lượng mưa cho các cơ quan chức năng để cảnh báo cho ngư dân vươn khơi bám biển, tìm kiếm cứu nạn… họ vẫn lặng lẽ góp sức nhỏ bé vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, của biển đảo quê hương.
Ngoài kia, xuân đang về!
Nguồn: Báo lao động thủ đô