Bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu ‘đội lốt’ thực phẩm biếu tặng

 Cơ quan chức năng đang kiểm đếm số lượng thuốc nhập lậu.

Theo đó, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) kiểm tra, phát hiện đồng loạt 15 kiện hàng tại một kho hàng ở thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn có nhiều dấu hiệu bất thường. Bởi, hàng hóa được nhập khẩu từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài dưới hình thức quà biếu, quà tặng được gửi theo loại hình chuyển phát nhanh.

Những kiện hàng này được gửi cho nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và cả Cao Bằng nhưng đáng chú ý nhưng lại có cùng số điện thoại. Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…

Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Nguyễn Phương Mai cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính quốc tế, chia nhỏ lô hàng, khai báo hàng hóa trị giá thấp, khai sai tên hàng để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng. 

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) Lê Dũng cho biết: Đối với loại hình chuyển phát nhanh, các đối tượng thường chia nhỏ lô hàng và khai báo không đúng bản chất hàng hóa… để vận chuyển số lượng lớn tân dược. Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, Chi cục chú trọng biện pháp như đánh giá phân luồng hàng hóa vào các tuyến trọng điểm và phối hợp với lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm. 

Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy – Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là điều không thể chấp nhận được. Về chế tài xử phạt, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản suất thuốc trị Covid-19 giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với tính chất, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

 An Nguyên (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích