Bắt giữ đầu nậu chuyên buôn bán rùa trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bắt giữ đầu nậu chuyên buôn bán rùa trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 16/12/2021, Công an tỉnh Tây Ninh vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ một đối tượng đầu nậu chuyên buôn bán rùa trái phép với khối lượng tang vật lên tới 185kg trên 1 chiếc xe ô tô tải.
Số rùa cất giấu trên xe bao gồm 122 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa đất lớn, rùa răng, rùa ba gờ và rùa núi vàng nặng tổng cộng 185kg. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc số rùa trên. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện và tất cả tang vật để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.
Theo Công an tỉnh Tây Ninh, đối tượng này là đầu mối lớn chuyên cung cấp rùa cho các đối tượng khác bán dạo rùa trên vỉa hè nhiều đường phố chính tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh.
Các loài rùa hộp lưng đen, rùa đất lớn, rùa răng, rùa ba gờ và rùa núi vàng đều là những loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo đó, các loài này được liệt kê trong Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích. Các loài này cũng đồng thời thuộc Phụ lục II, Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp. Mọi hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán các loài rùa này không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc đăng ký theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo giá trị tang vật bị tịch thu và một số yếu tố khác, hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép các cá thể rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tù tối đa đối với cá nhân lên đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.
Theo cơ sở dữ liệu của ENV, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu 292 cá thể rùa từ các vụ việc vi phạm. Đáng chú ý, các loài rùa cũng thường xuyên bị ghi nhận nuôi nhốt, buôn bán trái phép để làm cảnh hoặc phóng sinh tại Việt Nam.
Mới đây, ENV vừa ra mắt phim ngắn “Không phóng sinh rùa chính là tạo phúc” để người dân hiểu được việc mua bán, phóng sinh rùa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hoặc những khu vực xung quanh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa không những không phù hợp với giáo lý của Phật giáo mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi săn bắt, buôn bán rùa trái phép và từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể rùa trong tự nhiên. ENV khuyến cáo người dân không mua rùa để phóng sinh hoặc nuôi nhốt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị