Bất động sản 24h: Nguồn cung toàn thị trường BĐS thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây

Nguồn cung toàn thị trường bất động sản thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây

Theo báo cáo quý III/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các Quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện.
Theo đơn vị này, trong quý tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%.

Ảnh hưởng Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. Tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung. Gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề. Ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.

thị trường bất động sản

Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các Sàn giao dịch nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Đất vàng” bỏ hoang giữa lòng thành phố

Nhiều khu đất có vị trí đắc địa ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đang bị bỏ không nhiều năm qua, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Nằm ngay trung tâm TP. Nha Trang, cách bờ biển chỉ khoảng 100m và có hai mặt tiền đường Trần Phú – Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng khu đất số 48 – 48A Trần Phú lại đang bỏ hoang nhiều năm qua.

Hiện nay, khu đất được bịt kín xung quanh bằng các tấm tôn; cổng ra vào bằng sắt thép đã hoen gỉ. Bên trong, cây cối mọc um tùm quanh một ao nước đọng, gây ô nhiễm môi trường.

Khu đất 48 – 48A Trần Phú rộng hơn 3.642m2, được tỉnh Khánh Hòa định hướng mục tiêu xây dựng công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị trúng đấu giá. Sau đó, khu đất được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao khu đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi trúng đấu giá đất đến tháng 9/2015 (gần 8 năm), nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục liên quan và đầu tư xây dựng dự án, không đảm bảo khả năng tài chính để thực hiện dự án tại khu đất nói trên. Vì thế, khu “đất vàng” này bị bỏ hoang.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19 – Bài 1: Khi các thành phố chỉ là “cõi tạm”

Dòng người di cư ngược từ TP.HCM về quê để “chạy trốn” Covid-19 và thế tiến thoái lưỡng nan của hàng ngàn công nhân “mắc kẹt” tại vùng dịch đã phơi bày một thực tế rằng, các thành phố lớn chỉ là “cõi tạm” của họ.

Giữa những ngày đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, một cảnh tượng chưa từng diễn ra tại các cửa ngõ của TP.HCM, đó là hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc, trên xe máy nối đuôi nhau chạy ngược về quê.

Dịch kéo dài và diễn biến phức tạp tại TP.HCM khiến các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành ổ dịch lớn buộc phải ngừng hoạt động, hàng ngàn công nhân bỗng trở thành F0, F1, F2.

nhà ở công nhân

Cùng với đó, hàng ngàn, hàng vạn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, túng thiếu, tiền tiết kiệm cạn kiệt dần…Những ngày cách ly xã hội, họ sống mòn trong những căn nhà trọ chật chội, bấu víu vào những xe hàng cứu trợ, chờ ngày thành phố kiểm soát được dịch, nới lỏng giãn cách.

Nhưng rồi, những ngày giữa tháng 8, thông tin TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tình trạng “đóng cửa” đã khiến nhiều công nhân, người lao động không còn trụ vững. Tiền thuê trọ cũng hết. Họ lo sợ. Họ như rơi vào bước đường cùng.

Rời quê hương lên thành phố mưu sinh, kiếm tiền nuôi con cái ăn học, đó là động lực để những người công nhân chăm chỉ, miệt mài làm việc trong những khu công nghiệp, công ty may mặc, giày da… Nhưng dịch Covid-19 đã làm vơi dần “nồi cơm” của họ. Và rồi, giữa chốn thị thành, họ càng trở nên lạc lõng, khi ở đây vốn không phải là chốn an cư. Nói đúng hơn, là thành phố mới chỉ tạo ra việc làm, còn chốn an cư vẫn chỉ là tạm bợ. Mất việc làm, đồng nghĩa với việc, chỗ ở tạm trong các khu trọ bí bách cũng sẽ không còn nữa, khi tiền trọ vốn đã là một gánh nặng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi đầu tư vào bất động sản vùng ven?

Một số chuyên gia cho hay, thời điểm dịch bệnh là cơ hội để mua bất động sản với giá tốt, đặc biệt là đất nền vùng ven. Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Chủ tịch SREC cho biết, xu hướng các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân tiến về vùng ven và các tỉnh lận cận thành phố lớn để phát triển dự án quy mô là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Theo vị chuyên gia, thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên nghiên cứu để sẵn sàng đầu tư vào phân khúc này trong hoặc sau dịch.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, dịch bệnh chưa kết thúc là thời điểm nhà đầu tư có cơ hội tìm được bất động sản giá rẻ hơn.

“Nếu là nhà đầu tư mới, tôi khuyên nên tham gia vào thị trường càng sớm càng tốt. Khi thị trường đang yên ắng, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng có nhiều lựa chọn những sản phẩm phù hợp với mình dựa trên những kiến thức thông tin, cũng là thời điểm cho những nhà đầu tư mới có thể tham gia vào”, ông Kiệt nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mặt bằng kinh doanh dọc phố ế ẩm

Mức giá cho thuê mặt bằng kinh doanh dọc các tuyến phố lớn theo ghi nhận đã giảm đáng kể so với trước dịch nhưng chủ nhà “mỏi mắt” vẫn không tìm được khách.

Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội đã được mở cửa trở lại, nhưng trái ngược với bức tranh nhộn nhịp thường thấy, hàng loạt cửa hàng dọc các tuyến phố lớn tại thủ đô vẫn cửa đóng then cài, treo biển sang nhượng hoặc cho thuê. Mức giá cho thuê theo ghi nhận đã giảm đáng kể so với trước dịch nhưng chủ nhà “mỏi mắt” vẫn không tìm được khách. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa, nay cũng đìu hiu, ế ẩm.

Không khó để bắt gặp những tấm biển có nội dung “Trả mặt bằng, sale 50% toàn bộ cửa hàng”; “Cho thuê cửa hàng”; “Sang nhượng cửa hàng”… dọc các con phố tại Thủ đô. Một bầu không khí lạ thường tại những nơi vốn tấp nập “người mua kẻ bán”.

Bà Vũ Thị Tuyết, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, cho biết: “Mặt bằng trên phố trước kia rất đắt, phố Hàng Đào là đắt nhất, rẻ thì cũng phải 60 triệu đồng mặt bằng vừa và nhỏ mà bây giờ 20 triệu đồng cũng chẳng ai thuê. Người ta cứ trả đi trả lại, thuê được 1 – 2 tháng rồi không thuê nữa”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích