Bất động sản với xu hướng hậu đại dịch
Theo Báo cáo ngày 02/8/2021, Bộ Xây dựng đã nhận định về nhà ở và thị trường bất động sản quý II năm 2021 là: “Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định, được ghi nhận một số kết quả, chỉ tiêu chính, cụ thể:
Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”.
Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh”.
Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước tạo tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong thời gia tới. Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như: Secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng cho rằng: Đợt dịch Covid-19 lần này tác động không nhỏ tới tâm lý người mua bất động sản, nhất là nhóm bất động sản nhà ở (đất nền, nhà chung cư). Người mua để ở sẽ có tâm lý e ngại chung cư vì cho rằng chung cư ít an toàn hơn nhà riêng lẻ trong việc phòng, chống dịch. Vì thực tế khi có một ca F0 tại chung cư, lập tức cả chung cư bị phong tỏa, ảnh hưởng đến cả vài chục, thậm chí cả trăm căn hộ. Trong khi đó, nếu có ca F0 được phát hiện ở nhà riêng lẻ, thì số nhà bị phong tỏa thường ít hơn do chỉ cần cách ly một đoạn phố là đủ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ cấp thiết khác cho nhà riêng lẻ khi bị cách ly cũng dễ dàng hơn.
Sau dịch, xu thế bất động sản xanh sẽ được yêu thích. Nhóm người có khả năng tài chính cao sẽ lựa chọn nhà riêng lẻ là các biệt thự, nhà liền kế có sân vườn, nhóm còn lại sẽ nhằm các khu đất ngoại thành, xen kẹt nhưng đủ rộng để thiết kế xây dựng kết hợp không gian xanh nhằm giải tỏa các bức bách do ảnh hưởng của đợt cách ly dịch bệnh dài. Thực tế cho thấy, kể từ khi bắt đầu dịch Covid-19, xu hướng giãn ra vùng ven mua nhà của các thành phố lớn tăng khá cao. Rất nhiều người săn lùng mua đất nhà vườn tại những khu nhiều ao hồ, đồi núi… để thỏa mãn giấc mơ về một không gian xanh, thậm chí còn có trào lưu “bỏ phố về quê” đang được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu.
“Nói như vậy, không có nghĩa là nhóm bất động sản dạng chung cư không có cơ hội sau đợt dịch này. Tôi cho rằng, đây là thời điểm để các chủ đầu tư cần chủ động tìm ra các xu hướng mới, đột phá trong thiết kế các gian phòng, căn hộ nhà chung cư, đảm bảo các yếu tố thông gió, chiếu sáng tự nhiên, tiếp cận không gian xanh trong từng căn hộ, các tầng kỹ thuật nên kết hợp bố trí không gian xanh để phục vụ cộng đồng, số lượng thang máy cần bố trí cao hơn ngưỡng quy định của quy chuẩn, nên thiết kế hành lang ngắn và có ô thoáng hai đầu, hoặc kết hợp các ô thoáng dọc hành lang. Nhà đầu tư cũng cần quan tâm các yếu tố hạ tầng kỹ thuật như cảnh quan, sân vườn, hồ điều hòa, các yếu tố thuận lợi cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ngay cả khi giãn cách xã hội như đợt dịch này… là những điểm cộng rất lớn để nâng tầm cho nhóm bất động sản này” – PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhận định.
Diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy, nhà đầu tư vẫn đang ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản này vì nó có mức giá ổn định, hợp lý và đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế, vậy nên hầu hết các loại hình bất động sản đều có xu hướng suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch nhưng căn hộ chung cư lại là loại hình được ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng trong mùa dịch, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 5-7% so với Qúy I vừa qua.
Đối với phân khúc nhà mặt phố cho thuê phục hồi chậm và khó khăn hơn không chỉ do dịch Covid-19 và còn do các yêu cầu quản lý về an toàn cháy nổ sẽ được siết chặt hơn. Nhóm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng dự kiến sẽ diễn biến tích cực do nhu cầu cao của người dân, tuy nhiên cần thêm thời gian 1 đến 2 năm để trở lại mức cầu của năm 2019. Điểm sáng nhất sau dịch có lẽ là bất động sản công nghiệp, do nguồn cung hạn chế mà nhu cầu của các nhà đầu tư tăng cao nhằm đáp ứng sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu vẫn đang tiếp tục hướng đến Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tiêm chủng cộng đồng, số lượng người được tiêm vaccine sẽ tăng nhanh trong quý III/2021. Vì vậy các nhà đầu tư cũng dần được ổn định tâm lý và dần thích nghi với tình hình chung. Bên cạnh đó các doanh nghiệp bất động sản cũng cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm những hướng đi mới, linh động ứng dụng công nghệ vào bán hàng, tiếp cận khách hàng bằng hình thức online để phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu