Bất động sản Việt Nam được các tỷ phú Singapore chú ý
Giới siêu giàu Singapore đang đổ dồn sự chú ý tới thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các đô thị, vùng ven biển và nông thôn.
Theo báo cáo “The Wealth Report 2023” của Knight Frank, Việt Nam là một trong năm điểm đến hàng đầu được giới siêu giàu Singapore lựa chọn để đầu tư bất động sản.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến đầu tư sáng giá của giới siêu giàu trong khu vực. Các nhà đầu tư bất động sản tại Singapore đánh giá cao tiềm năng của các đô thị, vùng ven biển và nông thôn Việt Nam.
So sánh với các đô thị lớn trên thế giới, TP.HCM đứng thứ ba trong số những thành phố có căn hộ hạng sang sở hữu mức giá phải chăng nhất, xếp sau Sao Paulo (Brazil) và Cape Town (Nam Phi). Điều này khiến thành phố của Việt Nam trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.
Diện tích (m2) căn hộ hạng sang có giá 1 triệu USD tại các thành phố lớn trên thế giới. Ảnh: Knight Frank Research. |
“Năm 2022 chúng tôi nhận thấy sự quan tâm cao độ từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, tuy vậy định giá bất động sản trong nước cũng sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ khắp châu Á”, ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam cho biết.
Ông Alex Crane cho rằng nguyên nhân của sự áp lực này đến từ việc nhà đầu tư cá nhân cũng có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế đang phát triển khác hoặc tại các thị trường phát triển, nơi có lợi thế hơn Việt Nam về độ an toàn và khả năng sinh lợi.
Báo cáo của Knight Frank cũng ghi nhận trong năm 2022, khối lượng đầu tư bất động sản thương mại cao thứ hai từ các nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, 32% số người siêu giàu ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cho biết họ có ý định tăng cường đầu tư vào bất động sản thương mại, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 28%.
Trong năm 2022, số lượng người siêu giàu khu vực APAC đầu tư vào bất động sản thương mại đã tăng hơn 30% so với năm trước với tổng giá trị hơn 1,53 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể giữa bối cảnh khối lượng đầu tư sụt giảm 21,3% trên toàn khu vực trong năm ngoái.
“Áp lực lạm phát tại APAC vẫn ở mức trung bình so với thế giới, do các ngân hàng trung ương trong khu vực đã và đang áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và duy trì kỷ luật tài chính. Thêm vào đó, kì vọng về việc APAC sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng góp phần kích cầu bất động sản trong khu vực”, bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ nghiên cứu APAC tại Knight Frank nhìn nhận.
Nguồn: Báo xây dựng