Bất động sản về đâu sau đại dịch?
Đại dịch Covid – 19 bùng phát kéo dài suốt 3 tháng qua khiến thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành gần như đóng băng, ngăn chặn gần như hầu hết hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản thứ cấp. Riêng với bất động sản căn hộ, đã có vài dự án vùng ven được chủ đầu tư khởi động, quảng bá, giới thiệu đặt chỗ online.
Nhu cầu vẫn cao, giá không giảm
Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy giá bất động sản khu vực vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh chưa giảm, thậm chí tăng mạnh trong thời gian đại dịch bùng phát. Theo DKRA Việt Nam, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực trong khi Thành phố Hồ Chí Minh trải qua 4 quý liên tục thiếu vắng nguồn cung mới. Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.
Nguồn cung mới nhà phố, biệt thự khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh có mức tăng đột biến, khoảng 78% so với quý trước nhưng chỉ tập trung trong giai đoạn đầu quý II/2021. Tuy vậy, tỉ lệ tiêu thụ lại giảm khoảng 23% so cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng bởi phần lớn thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Báo cáo từ CBRE Việt Nam cũng cho thấy từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng rất nhanh, nhất là giai đoạn đầu năm, nhiều tỉnh đã xảy ra tình trạng sốt đất. Lượng người muốn đầu tư vào bất động sản trước khi dịch Covid – 19 bùng phát chiếm đến 75%, còn lại 35% đổ vào chứng khoán.
Tuy vậy, 3 tháng gần đây, do giãn cách xã hội để chống dịch nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào bất động sản mà hầu như tập trung vào chứng khoán. Tuy nhiên, chưa xảy ra hiện tượng bán tháo bất động sản, nhất là ở các địa phương lân cận Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tiền và chờ cơ hội để mua bất động sản sau dịch.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở Công ty CBRE Việt Nam – cho rằng dù kinh tế khó khăn do dịch Covid – 19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao, do càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.
Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay người dân có thu nhập cao, khi đại dịch xảy ra, dòng vốn không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng nên họ có xu hướng rót tiền vào bất động sản vốn luôn được đánh giá là an toàn, bền vững trong lâu dài.
Xu hướng tất yếu
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nếu lấy hiệu quả của việc giãn cách, cách ly trong đợt dịch này để đánh giá thì các khu chung cư cao tầng và khu dân cư tách biệt thành công hơn, tỉ lệ lây nhiễm, số ca lây cũng ít hơn so với các khu dân cư đông đúc, các con hẻm chật hẹp, sâu hun hút ở trung tâm thành phố.
Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người đã về quê, vừa gần gia đình vừa có cuộc sống bình yên, trong lành hơn. Điều này sẽ tạo ra xu hướng lựa chọn bất động sản sau dịch. Chưa kể, hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều khu vực đã chạm ngưỡng, không còn quỹ đất. Trong khi những địa phương lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương… quỹ đất còn rất dồi dào, giao thông cũng ngày càng thuận lợi.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho biết để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý định hướng phát triển không gian đô thị chính sang phía Đông và Bắc – Tây Bắc. Chỉ những khu vực này mới có đất đủ rộng để các chủ đầu tư thực hiện ý đồ sáng tạo quy hoạch, thiết kế những dự án lớn với giá dễ bán, thu hút người mua. Khi đó, những dự án lân cận ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng sẽ tạo được sức hút.
Điều quan trọng, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, hiện xu hướng đi ôtô và thích những nơi ở thoáng rộng, gần gũi thiên nhiên của người dân thành phố tăng lên nhiều, phá bỏ tư duy sống chật hẹp, khiến bất động sản ở trung tâm thành phố dần bớt sức hút.
Quan trọng hơn, các chủ đầu tư có xu hướng phát triển những dự án lớn hàng trăm hecta nhằm tạo ra khu đô thị đẳng cấp, với nhiều giá trị cộng thêm và biên lợi nhuận cao. Do vậy, họ sẽ chủ động hướng người mua đến những dự án như vậy.
Theo các chuyên gia, biên lợi nhuận khi đầu tư dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ còn khoảng 15% thì ở các tỉnh có thể lên tới 30%-40%. Điều này lý giải vì sao nhiều “ông lớn” bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh và các nước đều đang chuyển hướng ra khỏi đô thị.
“Theo tôi, nhà đất ở những vùng đất tốt, khí hậu thích hợp triển khai nhà vườn, những dự án lớn cách Thành phố Hồ Chí Minh 60 -100 km của các chủ đầu tư uy tín sẽ thu hút người mua, thậm chí sốt nhẹ sau dịch. Đặc biệt, với những chủ đầu tư có sản phẩm bàn giao vào năm 2023 và có chính sách thanh toán linh hoạt sẽ được người mua quan tâm hơn” – ông Quang nhận định.
Nói về sức hút của bất động sản lân cận Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết bất động sản ở các địa phương gần Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ bão hòa, chỉ là có nơi chậm, có nơi nhanh hơn, phụ thuộc tốc độ đô thị hóa và sự xuất hiện của các dự án lớn. Ông Kiệt dẫn chứng bất động sản ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang khá nóng, khi nhiều chủ đầu tư lớn như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh đều tập trung triển khai các khu đô thị lớn ở khu vực này, thu hút các nhà đầu tư và người có nhu cầu về nhà ở tìm hiểu, đặt chỗ qua hình thức trực tuyến.
Chưa xảy ra bán tháo
Theo ông Trần Khánh Quang, dù trải qua 3 tháng dịch Covid – 19 bùng phát nhưng giá bất động sản ở các tỉnh chưa có hiện tượng bán tháo, bởi hầu hết người mua đều đang “gồng”, chỉ có khoảng 10%-20% người giữ bất động sản vùng ven muốn bán vì cần tiền.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu