Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động khi họ phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt giảm.

Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế
Một số tòa nhà tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những tháng gần đây, dù chưa đưa ra các biện pháp kích thích lớn, giới chức Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh như tăng cường cho vay, nới lỏng các hạn chế để vực dậy các công ty phát triển bất động sản trong nước. Tuy nhiên, kết quả lại chưa được như kỳ vọng.

Thậm chí, một số báo cáo thường niên cho thấy các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải cắt giảm mạnh mẽ lực lượng lao động khi họ phải gánh chịu các nghĩa vụ nợ ngày càng tăng và doanh số bán hàng sụt giảm.

Một trong số những nhà phát triển bất động sản phải đưa ra hành động quyết liệt như vậy là Yuzhou Group Holdings.

Trong báo cáo mới nhất, công ty cho hay đã giảm số nhân viên từ mức 1.985 người hồi năm 2022 xuống còn 1.211 người vào cuối năm ngoái, tương đương mức giảm 39%. Nhờ tinh giản nhân sự, chi phí vận hành năm 2023 của công ty đã giảm gần 24% so với năm 2022.

Yuzhou là một trong nhiều nhà phát triển Trung Quốc bị vỡ nợ. Công ty đã không thể trả hết 842 triệu USD tiền lãi trên trái phiếu cấp cao phát hành ở nước ngoài, đồng thời bỏ lỡ thời hạn hoàn lại 2,09 tỷ USD tiền gốc.

Công ty có tổng số trái phiếu trị giá 38,71 tỷ nhân dân tệ (4,95 tỷ USD) tính đến cuối năm ngoái, trong khi tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt chỉ ở mức 3,77 tỷ nhân dân tệ. Năm ngoái, công ty lỗ ròng 10,52 tỷ nhân dân tệ và đánh dấu năm thua lỗ hơn 10 tỷ USD thứ hai liên tiếp.

Tương tự, KWG Group Holdings tại Quảng Châu xác nhận đã giảm hơn 40% lao động năm ngoái, từ 3.600 xuống còn 2.100 người mà không đề cập lý do chi tiết. Năm 2023, KWG lỗ ròng 18,73 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD), gần gấp đôi so với năm 2022. Họ vỡ nợ với một số trái phiếu và khoản vay nước ngoài. Tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến cuối năm ngoái lên tới 32,82 tỷ nhân dân tệ.

Tại Nam Kinh, công ty bất động sản hạng trung Redsun Properties Group cũng cắt giảm 30% nhân viên xuống còn 1.497 người. Khoản lỗ ròng của Redsun gần như tăng gấp đôi lên 7,21 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Họ không thể thanh toán gốc và lãi cho các trái phiếu cao cấp trị giá hơn 8 tỷ nhân dân tệ. Công ty cũng không thể trả được gần 1,5 tỷ nhân dân tệ tiền vay từ ngân hàng và các nguồn khác.

Vào giữa tháng Hai, chi nhánh London của ngân hàng New York Mellon, một trong những chủ nợ của Redsun đã đệ đơn yêu cầu giải thể công ty lên Tòa án tối cao Hong Kong (Trung Quốc).

Central China Real Estate, một nhà phát triển quy mô vừa khác cũng phải chứng kiến công ty kiểm toán Shinewing (HK) CPA đưa ra tuyên bố Từ chối đưa ý kiến vì những lý do tương tự các công ty trên: thua lỗ đáng kể, vỡ nợ và vỡ nợ chéo đối với các nghĩa vụ tài chính khác.

Về nhân sự, công ty có trụ sở tại Hà Nam đã bổ sung khoảng 500 người, tương đương khoảng 23% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, công ty đã cắt giảm gần 800 vị trí vào năm trước đó và trả khoảng 65 triệu nhân dân tệ tiền trợ cấp thôi việc vào năm 2022.

Bất động sản Trung Quốc vẫn gặp khó dù tăng cho vay, nới lỏng hạn chế
Quang cảnh một khu dân cư ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà ở Trung Quốc trong tháng 3/2024 đã giảm so với năm ngoái đối với cả nhà mới và đã qua sử dụng.

Cụ thể, giá nhà mới ở 70 thành phố – không bao gồm nhà ở được nhà nước trợ cấp, đã giảm 2,7% trong tháng Ba so với cùng kỳ một năm trước, vượt qua mức giảm 1,9% của tháng Hai. Tính theo tháng, giá nhà mới tại Trung Quốc giảm 0,34% – thấp hơn một chút so với mức giảm 0,36% của tháng Hai.

Trong khi đó, giá nhà đã qua sử dụng giảm mạnh 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái trên tất cả 70 thành phố, tệ hơn so với mức 5,2% của tháng Một. Trên cơ sở hàng tháng, giá đã giảm 0,53%, thấp hơn so với mức giảm 0,62% của tháng Hai.

Giá sụt giảm đã làm giảm doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc: giảm 31% trong quý trước so với cùng thời điểm năm 2023. Dự trữ tiền mặt của các nhà phát triển bất động sản cũng giảm 26%.

Trung Quốc đang tăng các biện pháp hỗ trợ, gồm nới lỏng hạn chế mua nhà, nâng cấp đô thị và giục các ngân hàng nhanh chóng duyệt các khoản vay mới cho các công ty bất động sản gặp khó khăn về tiền mặt. Các địa phương cũng được trao quyền tự chủ trong điều chỉnh chính sách thị trường bất động sản. Nhiều nơi đã hạ lãi suất, giảm tỷ lệ phần trăm trả trước và tăng trợ cấp cho người mua nhà.

Từng là huyết mạch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây từ những động thái thắt chặt quản lý của giới chức.

Nhà phân tích Charlene Chu của công ty nghiên cứu thị trường Autonomous Research cho biết lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn nhất và tình hình có thể sẽ trở nên tệ hơn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích