Bất động sản trải qua 1 năm gian khó: Chờ tín hiệu cho năm mới

Nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý, cháy chung cư mini làm nhiều người chết… là những chuyện buồn bất động sản 2023. Nhưng, tất cả đã khép lại, mở ra năm 2024 nhiều tín hiệu sáng với nỗ lực gỡ khó của Chính phủ.

Bất động sản trải qua 1 năm gian khó: Chờ tín hiệu cho năm mới
Khép lại năm bất động sản 2023 nhiều khó khăn, nỗ lực gỡ khó, tín hiệu cho năm mới. (Ảnh: Hoàng Hà)

1. Thị trường khó khăn, doanh nghiệp rời thị trường tăng, áp lực trả nợ trái phiếu lớn

Năm 2023 thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết quý III, có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41,29% so với năm 2022.

Cùng với đó, lượng tồn kho bất động sản trong quý III vào khoảng 18.808 căn, theo số liệu báo cáo của 53/63 địa phương. Trong đó, chung cư 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền.

Lĩnh vực kinh doanh doanh bất động sản có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh so với năm trước. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 4.725, còn số lượng doanh nghiệp giải thể là 1.286.

So với năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 45%, trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 7,7%. Tính trung bình, mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã cắt giảm nhân sự từ 50% đến dưới 75% nhân sự.

Trong một văn bản gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến Nghị định 08, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lưu ý, sang năm 2024, trị giá trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lên đến 329.500 tỷ đồng. Năm 2024 là năm cao điểm nhất về trị giá đáo hạn trong 3 năm gần đây. Năm 2022 chỉ có 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu, Chính phủ đã vào cuộc. Đầu tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP với nội dung quan trọng cho phép doanh nghiệp bất động sản giãn, hoãn nợ trái phiếu, đàm phán với các trái chủ thanh toán trái phiếu bằng bất động sản.

Nhờ đó, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.

2. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị khởi tố

Năm 2023 vẫn tiếp tục có thêm lãnh đạo vướng vòng lao lý. Cụ thể, ngày 23/3, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Huy Lân, nguyên Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CTCP 18 (HoSE: CIG) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Coma 18”.

Việc khởi tố ông Lân liên quan đến dự án VP6 Linh Đàm ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Cơ quan điều tra xác định, tại tòa nhà VP6 đã xây vượt quy hoạch 10 tầng.

Ngày 28/6, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội ra thông báo về việc quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đỗ Lăng là người sáng lập hệ sinh thái Apec Group, về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Bất động sản trải qua 1 năm gian khó: Chờ tín hiệu cho năm mới
Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam bị bắt.

Đến ngày 31/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội (Phòng Cảnh sát kinh tế) cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, và bắt bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam.

Ngày 26/10, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Đinh Trường Chinh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân. Lý do sai phạm trong quản lý, sử dụng 2 khu “đất vàng” tại quận 1, xảy ra tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và một số đơn vị liên quan.

Tiếp tục, ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG về “Tội lừa dối khách hàng”.

3. Cháy chung cư mini khiến 56 người bị chết

Đêm 12/9, có lẽ là một đêm không thể nào quên với những người dân đã ở chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi chung cư này bùng cháy trong đêm đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 56 người chết và hàng chục người bị thương là nỗi ám ảnh, tang thương.

Chỉ sau vụ cháy hơn một ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng với ông Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ chung cư mini, về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Chung cư này cao 9 tầng, 1 tum, rộng khoảng 200 m2/tầng, xây vượt 3 tầng so với phê duyệt và có tới 45 căn hộ với khoảng 150 người sinh sống.

Bất động sản trải qua 1 năm gian khó: Chờ tín hiệu cho năm mới
Cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12/9.

4. Chính phủ, bộ ngành nỗ lực gỡ khó cho bất động sản

Thực hiện nhiệm vụ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm việc với 8 địa phương là TP.Hồ Chí Minh; Hà Nội; Đà Nẵng; Hải Phòng; Cần Thơ; Đồng Nai; Bình Thuận; Bình Định về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Theo báo cáo, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân, liên quan đến 191 dự án bất động sản.

Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án…cho các địa phương

Ngày 17/2, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để gỡ khó cho bất động sản. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thực hiên quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản.

5. Cấp “sổ hồng” cho condotel, officetel

Theo Nghị định 10/2023/NĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023, căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận.

6. Phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định 388 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

7. Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội

Tháng 4/2023, NHNN có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33.

Theo đó, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với mức cho vay thông thường.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.

8. Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Theo chương trình, vào ngày 29/11 (ngày cuối cùng của kỳ họp 6), các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Bất động sản trải qua 1 năm gian khó: Chờ tín hiệu cho năm mới
Luật Đất đai sửa đổi lùi thời hạn thông qua. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu, giữa kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, thống nhất ngoài những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa, còn nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đây là dự án Luật được đánh giá có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống của người dân. Vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

9. Thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi

Sáng 27/11, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi. Hàng loạt điểm mới đáng chú ý như: Không quy định thời hạn sở hữu mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa Luật Nhà ở hiện hành; “siết” lại việc đầu tư xây dựng chung cư mini.

Luật Kinh doanh bất động sản ngay sau đó cũng được Quốc hội thông qua với một số quy định chặt chẽ hơn trong kinh doanh bất động sản để bảo vệ người mua.

Đơn cử, luật quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng khi đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua…

Nếu như Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không cho phép chủ đầu tư dự án ủy quyền cho các bên tham gia hợp tác ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản thì Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi còn không cho phép cả việc ký hợp đồng đặt cọc.

Cả Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Với những thay đổi của hai luật này, cùng với sự chờ đợi ở Luật Đất đai sửa đổi sẽ được phê duyệt trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ có những điểm sáng, khởi sắc trong năm mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích