Bất động sản sau dịch Covid-19: Phân khúc nào sẽ “hút” dòng tiền đầu tư?
(TN&MT) – Sự khan hiếm quỹ đất tại trung tâm Hà Nội đã dẫn đến sự dịch chuyển đầu tư bất động sản (BĐS) sang các khu vực ven đô như huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Quốc Oai… Đây là những khu vực đang được TP. Hà Nội đầu tư mạnh về hạ tầng, dịch vụ.
Giá đất ven đô tăng nhanh
Báo cáo về thị trường BĐS vừa qua của Bộ Xây dựng cho thấy, Hà Nội tiếp tục thiếu nguồn cung dự án mới do khan hiếm quỹ đất. Vì vậy, một số chủ đầu tư đã bắt đầu khai phá thị trường tại các quận, huyện vùng ven Hà Nội. Đón bắt được cơ hội về chiến lược phát triển hạ tầng của thành phố, giá đất nhiều quận, huyện đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua.
Đơn cử như huyện Gia Lâm, nhờ có sự “lột xác” của hệ thống giao thông tại khu vực phía Đông sau khi cầu Thanh Trì thông xe, các nút giao nối các tuyến giao thông huyết mạch như nút giao Cổ Linh nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và vành đai 3 được mở rộng, giá đất tại khu vực đã tăng 30 – 50%.
Tương tự, tại một số quận, huyện vùng ven ngoại thành Hà Nội, nhiều dự án có giá khá cao, đơn cử như Dự án The Phoenix Garden (Đan Phượng) khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, Orange Garden (Hoài Đức) giá khoảng 39,1 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội đánh giá, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tại Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách về giá giữa khu vực đô thị và lân cận, đơn cử như Dự án đường vành đai 3 mở rộng và Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các dự án cũng có nhiều tiện ích để bù đắp cho bất lợi về vị trí.
“Với kế hoạch đưa các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên các quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý. Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung nhà ở đã mở rộng từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành, đây sẽ là động lực tăng trưởng giá của BĐS. Đặc biệt, các dự án hạ tầng ở phía Tây thành phố kết nối với các huyện ngoại thành không chỉ khiến giá đất nền tăng, mà giá căn hộ cũng tăng. Từ năm 2017, giá sơ cấp căn hộ tại quận Cầu Giấy đã tăng 14% mỗi năm, giá sơ cấp căn hộ tại quận Long Biên cũng tăng 12% mỗi năm” – Bà Hằng cho biết.
Hà Nội tiếp tục thiếu nguồn cung dự án mới do khan hiếm quỹ đất. Ảnh: MH |
Xu hướng ngôi nhà thứ 2 sẽ bùng nổ
Thời gian qua, một dòng vốn đầu tư lớn vào thị trường bất động sản đã chuyển dịch từ khu vực nội đô sang các khu vùng ven. Tại Hà Nội, tâm điểm của thị trường trong 2 năm qua dồn về 2 cực Đông – Tây.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đất nền ven đô, nhất là đất có sổ đỏ, đất nền đầy đủ pháp lý vẫn sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” của thị trường bất động sản. Bởi, ở thời điểm hiện tại, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền ven đô, đất nền có sổ đỏ. Tuy nhiên, trong năm 2021, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất nền ven đô, nhất là các mảnh đất có sổ đỏ sẽ hút dòng vốn rất mạnh. Thêm vào đó, sau biến động sốt đất mạnh và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giao dịch các sản phẩm trên thị trường đã có sự dịch chuyển rõ rệt.
Thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng trong quý II/2021, mức độ quan tâm tới bất động sản nói chung tăng đến 37% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhu cầu tìm hiểu thông tin tăng mạnh sau các đợt dịch bùng phát. Ví dụ, sau làn sóng Covid-19 lần 3, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng đột biến 378%, đạt gần 7 triệu lượt tìm kiếm/tuần, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường vùng ven, chẳng hạn như Ba Vì (Hà Nội) là 33%; Quốc Oai (Hà Nội) và Hưng Yên là 32%; Bắc Ninh là 28%; Hải Dương là 19%… Ở các khu vực nói trên, mức độ tăng giá cũng tỷ lệ thuận với mức độ quan tâm của thị trường, nhiều nơi có mức tăng vài chục phần trăm như Ba Vì tăng 76%; Quốc Oai là 20%; thậm chí Hòa Bình có mức tăng giá lên tới 102%.
Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Đất xanh miền Bắc nhận định, dịch Covid-19 khiến người dân Hà Nội hình thành tâm lý cần có ngôi nhà thứ 2 tại ven đô để nghỉ ngơi, thư giãn. Trong bối cảnh này, thay vì trải nghiệm nghỉ dưỡng vài lần trong năm với những kỳ nghỉ dài, người dân tại các khu đô thị lớn có nhu cầu sở hữu những không gian nghỉ dưỡng tại gia 365 ngày. Vì vậy, những khu vực ven đô sở hữu không gian sống thoáng đãng, bình yên giữa thiên nhiên sẽ là sự lựa chọn số một.
Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng kiến làn sóng dịch chuyển dòng tiền mạnh mẽ sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Đây sẽ là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng xuống thấp kỷ lục, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại các thị trường truyền thống bất động, giá bất động sản nội đô quá cao và khó còn tiềm năng tăng giá, phân khúc shophouse tại các trung tâm thành phố gặp khó khi cho thuê…
Hiện tại, mặt bằng giá đất nền tại huyện Gia Lâm tăng từ mức 25 – 30 triệu đồng/m2 lên mức 45 – 80 triệu đồng/m2. Đơn cử, Dự án đấu giá Hải Phát (thị trấn Trâu Quỳ) giá bán đạt ngưỡng 82 triệu đồng/m2; Dự án Oasis Cổ Bi (xã Cổ Bi) được chào bán mức 50 – 60 triệu đồng/m2; Dự án đất nền Euro Window giá khoảng 82 – 120 triệu đồng/m2…