Bất động sản khốn đốn vì dịch COVID-19
Bất động sản khốn đốn vì dịch COVID-19
78% sàn giao dịch bất động sản (BĐS) phải thực hiện cắt giảm nhân sự cho nghỉ hoặc tạm nghỉ việc không lương, 45% lao động tương đương khoảng 26.325 môi giới của các sàn giao dịch mất hết thu nhập…
Đó là những số liệu thống kê thể hiện bức tranh vô cùng “ảm đạm” đối với hoạt động môi giới BĐS trong thời gian qua.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, việc các nhân viên môi giới địa ốc buộc phải tạm ngừng việc hoặc chuyển nghề không phải là chuyện hiếm. Lệnh giãn cách xã hội tại những thành phố lớn khiến hàng loạt sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi từ những đợt bùng phát dịch trước đó tới nay gần như “đóng băng”, khi các sự kiện mở bán, các dự án phải dừng triển khai để đảm bảo quy định phòng chống dịch…
Hơn 8 tháng với 2 đợt COVID-19, theo như chia sẻ của lãnh đạo sàn giao dịch, việc cho nhân viên nghỉ việc là “vạn bất đắc dĩ” khi mà doanh thu không có nhưng vẫn phải thanh toán các loại chi phí như điện, nước, thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, tiền trả cho các nhà thầu…
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm này, chỉ có những sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động và con số này chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại hầu như đang phải tạm dừng.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực phía Nam phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. Trong đó, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10% trong 3 tháng gần đây, 30% có mức doanh thu từ 30-50% và chỉ 10% số doanh nghiệp có doanh thu từ 50-70% (được coi là tạm ổn định).
Theo ông Lâm, trong điều kiện bình thường, dòng tiền ổn định giúp doanh nghiệp đảm bảo được việc trả lãi suất nhưng khi dịch bệnh xảy đến, doanh thu sụt giảm, thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư lớn là không nhỏ, kéo theo khó khăn cho sàn giao dịch, môi giới bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cũng cho rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Đợt dịch này khiến hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch địa ốc, đặc biệt ở phía Nam gần như tê liệt.
Theo kết quả khảo sát 500 sàn giao dịch bất động sản, nơi làm việc của 75.000 môi giới nhà đất (khoảng 1/3 tổng số sàn giao dịch bất động sản) trên cả nước của VARS, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các sàn giao dịch bất động sản rất lớn.
Theo đó, trong số hàng trăm sàn giao dịch bất động sản được khảo sát, có 28% sàn có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì hoạt động, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% sàn giao dịch còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.
“Nếu phải chống đỡ với khó khăn dịch bệnh thêm 1-2 tháng nữa, tỉ lệ phá sản các sàn giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo.
Theo VARS, hiện chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50-80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu.
Điều đáng nói, do không có doanh thu và quỹ lương cạn kiệt, 78% sàn giao dịch bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ việc, tạm nghỉ việc không lương. Trong khảo sát, có hơn 26.300 môi giới nhà đất đang làm việc tại 500 sàn giao dịch bất động sản không có thu nhập, số môi giới nhà đất còn lại được hưởng lương cơ bản hoặc được hưởng 50% lương cơ bản.
VARS cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do các sàn giao dịch bất động sản hết quỹ lương. Cạnh đó, khoảng 89% sàn giao dịch bất động sản không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng.
Hiện các sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đang đối mặt 4 khó khăn. Thứ nhất, là chi phí duy trì doanh nghiệp không hề được giảm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong khi doanh nghiệp không có nguồn thu đang áp lực rất lớn.
Thứ hai, là rủi ro bồi thường hợp đồng hoặc liên đới chịu trách nhiệm hoặc rủi ro mất tiền cọc, bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ. Thứ ba là khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền để nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội… do không có nguồn thu. Thứ tư là rủi ro bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện… do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán.
Từ những khó khăn trên, VARS kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành môi giới bất động sản vào nhóm được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản bảo hiểm xã hội, sớm ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
VARS cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội; không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án cần sớm thanh toán hoặc thanh toán một phần để các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động…
PV (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị