Bất động sản hồi sinh nhờ hàng loạt dự án hạ tầng
Bất động sản hồi sinh nhờ hàng loạt dự án hạ tầng
Có những dự án bất động sản “đắp chiếu” trong một thời gian dài bỗng “hồi sinh” hay những vùng đất heo hút bỗng dưng “lên đời” nhờ những tuyến đường lớn được hình thành hay nâng cấp, mở rộng, nối liền các vùng phụ cận với Thủ đô.
Có những dự án bất động sản “đắp chiếu” trong một thời gian dài bỗng “hồi sinh” hay những vùng đất heo hút bỗng dưng “lên đời” nhờ những tuyến đường lớn được hình thành hay nâng cấp, mở rộng, nối liền các vùng phụ cận với Thủ đô. Nhiều nhà đầu tư đang có ý định tháo chạy lại có lãi tiền tỉ…
Đường heo hút, không dám đi về muộn
Cách đây vài ba năm về trước, nếu một dự án bất động sản mọc ở khu vực ngoại thành rất ít người được quan tâm bởi hạ tầng chưa được đồng bộ và còn nhiều vướng mắc. Để tìm đường đến được những dự án mới nổi lên ở ngoại thành thời điểm đó rất vất vả. Nói không quá thì có nhiều dự án nằm sâu hun hút trong các con đường tỉnh nhỏ, quanh năm khói bụi mù mịt với hàng nghìn xe container chạy qua mỗi ngày.
Ngoài tuyến bus nhanh BRT được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017, nút giao Vạn Phúc – Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Đại lộ Thăng Long – Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn – Văn Phú… đã và đang thay đổi diện mạo khu vực phía Tây Hà Nội, giúp một số quận, huyện như Hà Đông, Hoài Đức trở thành trung tâm hội tụ các dự án bất động sản tầm cỡ.
Như một quy luật tự nhiên, đường mở đến đâu thì giá nhà đất tăng theo đến đó đã thường thấy ở thị trường bất động sản Việt Nam, nhà phố và biệt thự tại các dự án bám dọc những trục đường lớn này tăng giá chóng mặt. Được quy hoạch gọn gàng và xây dựng đồng bộ, ngăn nắp, một số dự án trên đường 70 vẫn đắp chiếu gần chục năm (từ năm 2012), giá bán chỉ dao động 35 – 65 triệu đồng/m2. Nhưng kể từ khi đoạn đường 70 mới với 8 làn xe từ ngã tư Nhổn giao QL32 đến ngã tư Trần Hữu Dực hoàn thiện (tháng 4.2019) dẫn thẳng vào, giá những căn nhà rêu mốc, sét gỉ ở đây bắt đầu “phi nước đại”.
Theo ghi nhận của PV, một căn biệt thự rộng 260m2 nằm tại mặt đường, thời điểm năm 2019 có mức giá khoảng 42 triệu đồng/m2 nay tăng lên 78 triệu đồng/m2 (tăng 85%), tổng giá bàn giao thô 20,2 tỉ đồng. Những căn nằm ở mặt đường 17,5m giá dao động từ 60 – 85 triệu đồng/m2. Còn các căn biệt thự liền kề nằm ở mặt đường 30m giá từ 100 – 130 triệu đồng/m2.
Bên cạnh những dự án cũ, một số dự án mới nằm ở mặt đường 70 cũng ghi nhận tặng giá 45%. Anh Phạm Đức Hùng (một người dân ở dự án Hateco 6, quận Nam Từ Liêm) cho hay, vào thời điểm giữa năm 2017, anh mua căn chung cư khoảng 50m2, giá cả thuế 1,1 tỉ đồng. Giữa năm 2019 anh nhận bàn giao, đến nay đã tăng giá lên 1,5 tỉ đồng.
Các dự án ở vùng ngoại thành, trước đây không được nhiều người quan tâm do hạ tầng còn chưa được đầu tư. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do có quy hoạch, hạ tầng đầu tư và các tuyến đường mới mọc lên nên thúc đẩy người dân ra ngoại thành rất nhiều.
Chị Bùi Thị Thúy (36 tuổi, ở chung cư Gemek1, An Khánh, Hoài Đức) chia sẻ, gia đình chị mua nhà từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2016 mới về ở. Những ngày đầu đi làm trong nội thành về không dám về muộn, bởi đường rất vắng vẻ và heo hút. Tuy nhiên, đi nhiều và do tài chính ít nên đành phải chấp nhận.
Giá tăng vọt sau thời gian “ngủ đông”
Cùng trên địa bàn huyện Hoài Đức, đường vành đai 3.5 nối từ QL32 đến Đại lộ Thăng Long dài 7km với 6 làn xe, hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thông tuyến nhưng thời gian qua, hàng loạt dự án gần kề “ngủ đông” bấy lâu nay chắc chắn sẽ được đánh thức.
Anh Vũ Hồng Nhân, một nhà đầu tư tại một dự án thuộc xã Kim Chung, xã Di Trạch Hoài Đức) đang “ngủ đông” ở đây cho biết, anh đặt mua 3 lô ở tại dự án này cách đây gần chục năm, giá lúc đó khoảng 50 triệu đồng/m2. Thời gian chậm tiến độ lâu, hàng chục tỉ đồng nằm bất động. Nhiều lúc nản đã muốn bán tháo, nhưng không ngờ từ giữa năm 2020 đến nay dự án tái khởi động, giá lại tăng cao. Những lô đất của anh đã có khách xem và trả giá 65 triệu đồng/m2 nhưng anh không bán vì dự tính giá còn tăng nữa.
Ngoài những tuyến đường quy hoạch, đang xây dựng kích cầu dự án mới, nhiều tuyến đường nội đô đã hoàn thiện như Trần Duy Hưng, Duy Tân, quận Cầu Giấy cũng đã đẩy bất động sản dân cư lên một mặt bằng giá mới.
Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường của Công ty BĐS Nhà ở ngay Việt Nam, năm 2017 giá đất trên mặt phố Duy Tân, Cầu Giấy dao động từ 215 – 247 triệu đồng/m2; năm 2018 đạt từ 233 – 268 triệu đồng/m2; hiện nay đã lên mức từ từ 296 – 342 triệu đồng/m2 (tăng từ 27 – 38%).
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản nhận định, hàng loạt dự án hạ tầng được hoàn thành, sẽ tiếp tục cải thiện diện mạo đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Thủ đô.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Hạ tầng phát triển đến đâu thì nhu cầu đầu tư bất động sản cũng gia tăng đến đó. Theo ông Thịnh, hạ tầng giao thông là “bà đỡ”, là điều kiện tiên quyết, nền tảng phát triển đô thị, khu công nghiệp, dân cư, nhà ở.
Cũng theo ông Thịnh, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông có nhiều loại hình, trong đó, giao thông đường bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trong phát triển đô thị và thị trường bất động sản.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị