Bất động sản cho thuê vẫn “ngóng” khách

Khó khăn chồng khó khăn

Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường lớn, quận trung tâm thành phố Hà Nội cũng như các shophouse ở những khu chung cư đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Nhiều quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng vì không cầm cự nổi. Hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay đều chủ động giảm 30% – 40% so trước đây, cũng như ít có các điều khoản ràng buộc hơn nhưng cũng không dễ tìm được khách thuê.

Bất động sản cho thuê vẫn “ngóng” khách
Tình trạng treo biển tìm khách thuê tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.

Chị Nguyễn Thị Hoa, có hai căn nhà cho thuê làm quán cà phê và 1 căn hộ khách sạn cho khách du lịch thuê ở khu vực quận Hoàn Kiếm, cho biết, trước đây mỗi tháng chị thu về 70 triệu đồng, do dịch Covid-19 nên chị bấm bụng giảm 50% tiền cho thuê nhưng khách cầm cự không nổi vừa trả mặt bằng một căn, căn còn lại cũng sắp hết hạn nhưng cũng chưa thấy nói gì đến việc gia hạn hợp đồng.

“Hợp đồng hết hạn từ tháng 7/2021, mặc dù tôi đã trao đổi để giảm giá do dịch bệnh kinh doanh giảm sút nhưng khách vẫn không đồng ý ký tiếp hợp đồng. Tôi cũng đã đăng tin cho thuê cửa hàng lên nhiều website, mạng xã hội mà chưa cho thuê được. Do dịch Covid-19, tình hình kinh doanh khó khăn nên tôi chấp nhận giảm 50% giá cho khách thuê đến hết năm 2021, sang năm 2022 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi hoạt động xã hội bình thường trở lại thì sẽ đàm phán lại giá để hỗ trợ khách thuê. Nhìn nhà để không cũng sốt ruột nhưng Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, nên cũng đành chấp nhận”, chị Hoa cho hay.

Sốt ruột vì mặt bằng bỏ không, phương án giảm giá là biện pháp duy nhất để tìm kiếm khách thuê trong bối cảnh hiện nay. Tùy từng vị trí mà chủ các cửa hàng cho thuê giảm từ 20- 30%, thậm chí không ít người còn chấp nhận giảm đến 50% giá tho thuê nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khách thuê khác như thu tiền theo tháng, thay vì phải thanh toán cả 6 tháng đến 1 năm như trước đây để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ cho thuê…

Có thể nói, sau sự thành công của đợt chống dịch Covid-19 lần thứ nhất, không ít người đã kỳ vọng việc kinh doanh có thể hồi phục. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, thứ ba và đặc biệt sau 2 tháng Thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì tình hình ngày càng khó khăn. Rõ ràng, với tình hình kinh doanh hiện nay, việc tồn đọng vốn do chi trả tiền thuê mặt bằng quá dài là một trong những yếu tố khiến khách thuê không thể duy trì được mức giá thuê cũ, và cũng không theo được tiến độ chi trả như trong điều kiện kinh doanh trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Về phía khách thuê, mặc dù các chủ nhà đã chịu xuống nước khi giảm giá thuê tới 30 – 40%/tháng cho khách thuê, nhưng việc chỉ “chi” không “thu” cũng là nguyên nhân chính để nhiều người tạm lựa chọn dừng lại.

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường mặt bằng cho thuê gặp khó như kinh tế sụt giảm, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cộng thêm chi phí đầu tư ban đầu quá lớn… là những lý do chính dẫn đến nhiều người không dám “đánh liều” thuê mới mặt bằng kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Dù đã rất cố gắng, nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài đã khiến anh Phạm Cao Cường (ở quận Thanh Xuân) không thể suy trì hoạt động kinh doanh. Đối với anh Cường, kinh doanh ở phố cổ với những chuỗi Codotel là những dự định “ấp ủ” sau nhiều năm du học ở nước ngoài. Trước Tết Nguyên đán 2020, anh Cường hùn vốn hơn 1 tỷ đồng với 3 người bạn để mở chuỗi 2 Codotel. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, giấc mơ đã bị đứt quãng.

Từ một con phố tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước, “Hà Nội 36 phố phường” chìm trong giấc ngủ thật dài. Qua 4 lần bùng dịch, anh Cường buộc phải rao tin sang nhượng cho đối tác. Tuy nhiên, vì đại dịch chưa biết lúc nào chấm dứt, các chủ kinh doanh cũng rất thận trọng vì hoạt động Codotel chủ yếu đón khách du lịch. Cuối cùng, anh Cường quyết định giải tán khu nhà cho thuê, trả lại mặt bằng vào tháng 9 vừa qua. “Chúng tôi thuê mặt bằng với giá 25 triệu đồng/tháng, dù chủ nhà có giảm 40% nhưng vẫn quá khó để duy trì khi mà cả năm nay không hề có thu nhập”, anh Cường tâm sự.

Giờ đây, dù nhiều hoạt động kinh doanh đã được hoạt động trở lại nhưng tại các khu vực buôn bán sôi động nhất Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Phố Huế… tiếp tục rơi vào cảnh đìu hiu. Kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, không có nhiều khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế ghé thăm phố cổ, các hoạt động phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực chợ Đồng Xuân bị hạn chế, nên hầu hết các cửa hàng kinh doanh, buôn bán của khu vực này đều đóng cửa.

Thị trường bất động sản cho thuê trở về giá trị thật?

Ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khiến bất động sản cho thuê ế ẩm đã diễn ra cả năm nay. Bắt đầu từ tháng 5, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng càng nặng nề hơn thì nhiều tỉnh thành trên cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 15+ và 16. Việc phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian qua chính là cú “nốc ao” khiến thị trường bán lẻ gặp khó khăn, khách thuê không thể trụ vững, còn khách thuê mới cũng không dám “đánh liều” đầu tư trong thời điểm hiện nay.

Bất động sản cho thuê vẫn “ngóng” khách
Sau dịch Covid-19 giá mặt bằng cho thuê đã trở về giá trị thật khi nhiều người kinh doanh trả mặt bằng, sang nhượng…

Một nguyên nhân nữa khiến mặt bằng cho thuê “lao dốc” là do nguồn cung dư thừa. Dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều ngành nghề kinh tế, từ tiểu thương đến các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ như: Lưu trú, thời trang, dịch vụ ăn uống… thời gian qua bị ảnh hưởng trầm trọng. Chưa kịp ổn định hoạt động trở lại thì lại có đợt dịch khác bùng phát dẫn đến kinh doanh lại đình trệ, khách thuê phải trả mặt bằng thuê, người lao động rời thành phố về quê tạm lánh dịch…

Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Những khó khăn này được tích lũy qua một thời gian dài và chưa đánh giá được hết thiệt hại. Tất cả các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí, du lịch… hầu như đóng cửa trong một thời gian dài, dẫn đến dù chủ mặt bằng có giảm giá nhưng cũng không vãn hồi được tình hình, dẫn đến sự dư thừa nguồn cung trên thị trường. Tôi cho rằng, mức độ phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ không thể hồi phục lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Tình trạng khó khăn được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2021 khi việc tiêm phòng Covid-19 trở nên đại trà hơn. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, sau nhiều năm vượt sóng, thị trường bất động sản cho thuê đang trở về giá trị thật. Những người có bất động sản cho thuê thời điểm này nên ngồi lại với khách để bàn bạc, đưa ra mức giảm bao nhiêu, hình thức và thời hạn giảm.

“Trong tình hình hiện nay, chủ nhà cần phải cho thuê càng sớm càng tốt, sau này có thể đàm phán lại giá, nếu càng kéo dài thời gian sẽ thất thoát càng nhiều. Một căn hộ cho thuê giá 20 triệu đồng/tháng với hợp đồng ổn định 3 đến 5 năm vẫn tốt hơn cho thuê 30 triệu đồng/tháng mà chỉ được một năm, thậm chí ngắn hơn. Bởi, mỗi lần cho thuê chủ nhà phải tốn ít nhất một tháng tiền nhà cho môi giới, chưa kể tốn thời gian tìm khách…”, anh Nguyễn Thanh Tùng, môi giới Công ty Bất động sản An Bình, nhận định./.

Anh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích