Bất động sản cho thuê: Chỗ miễn phí, nơi mãi không tìm nổi khách thuê
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II năm nay, số lượng dự án trung tâm thương mại và siêu thị mới được khai trương đi vào hoạt động không nhiều. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh doanh mặt bằng thương mại tiếp tục gặp khó khăn, tổng lượng thuê và giá thuê bình quân vẫn có xu hướng giảm so với quý trước.
Tại khu vực trung tâm của Hà Nội và TP.HCM, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm; mức giá trung bình khoảng 102 USD/m2/tháng tương đương 2.357.000 đồng/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm.
Theo Bộ Xây dựng, khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này đã tăng 10%.
Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm tiếp tục giảm nhẹ do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê, cũng như hỗ trợ các khách thuê do tình hình dịch diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.
Cụ thể, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 29 USD/m2/tháng tương đương 670.000 đồng/m2/tháng, giảm 3,8% theo năm và 2,8% theo quý. Tỷ lệ trống các khu vực này vẫn ở mức cao, đạt 14,6%, cao hơn 0,1% theo quý và 4,8% theo năm.
Tại thị trường TP.HCM, Bộ Xây dựng cho biết dưới sức ép từ làn sóng dịch nghiêm trọng, giá thuê trung bình trong quý ghi nhận đạt 34 USD/m2/tháng tương đương 786.000 đồng/m2/tháng, giảm 5,2% theo năm do nhiều trung tâm thương mại đóng cửa, các dự án đồng loạt giảm giá thuê, cũng như có các chính sách hỗ trợ khách thuê trong thời gian giãn cách xã hội thời gian qua. Điều này đã phần nào cải thiện được tỷ lệ trống, giảm 1,6% theo năm xuống còn 14,6%.
Nhận định về khó khăn chưa từng có của phân khúc nhà phố, mặt bằng bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết: Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định. Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.
“Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn”, bà Minh nhận định.
Theo ghi nhận của PV, bất động sản nhà ở cho thuê cũng gặp khó khăn rất lớn trong việc duy trì tỷ lệ lấp đầy. Để giảm bớt khó khăn cho người thuê và cũng là bài toán chia sẻ cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhiều chủ nhà miễn giảm tiền thuê hoặc thậm chí miễn toàn bộ cho khách thuê thời điểm giãn cách.
“Người thuê cũng là người nuôi mình nên giảm tiền trọ là điều cần thiết trong lúc dịch khiến nhiều người khó khăn. Mình làm nhà trọ lâu nên cũng hiểu hoàn cảnh của họ, giờ lá lành đùm lá rách”, một ông chủ nhà trọ chia sẻ.
Mới đây, thông tin chủ khu nhà trọ Bảo Ngọc (ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) miễn tiền phòng trong tháng 7 để chia sẻ khó khăn với người lao động trong dịch bệnh cũng khiến nhiều quan tâm. Khu nhà trọ này có 13 phòng, hầu hết là công nhân lao động làm việc tại các nhà máy trên địa bàn Nhơn Trạch. Đây thực sự là cố gắng lớn của chủ nhà bởi bản thân họ cũng đã gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch…