Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương nhiều cơ hội phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022
Báo cáo Triển vọng châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 được công bố mới đây bởi công ty tư vấn dịch vụ bất động sản toàn cầu Knight Frank đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế khu vực vào năm sau cũng như xu hướng phát triển của các phân khúc bất động sản nhà ở và văn phòng.
Bà Christine Li, Giám đốc nghiên cứu của Knight Frank châu Á – Thái Bình Dương phân tích, 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến kinh tế khu vực năm 2022 bao gồm: Sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi thế giới chuyển sang giai đoạn đặc hữu của dịch bệnh, sự giữ nguyên cấu trúc kinh tế và khả năng tăng lãi suất để bình ổn thị trường khu vực.
Châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khu vực lên 6% trong năm nay và duy trì vị thế là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc với sự hạn chế nguồn cung và can thiệp chính sách kéo dài đến năm sau có khả năng sẽ có mức tăng trưởng chậm khoảng 8% trong năm 2021.
Năm 2022, Nhật Bản, Úc và Đông Nam Á sẽ là những quốc gia và khu vực được dự báo có sự bứt phá về thị trường và kinh tế mạnh mẽ nhất sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.
Đối với yếu tố giữ nguyên cấu trúc kinh tế, theo phân tích của Knight Frank, mặc dù sự phát triển và lan rộng của các chủng virus như Delta hay Omicron sẽ làm giảm tính chính xác của những dự báo tăng trưởng, nhưng châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ là khu vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là động lực giúp củng cố cấu trúc kinh tế và hồi sinh dòng vốn.
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong khi đó Đông Nam Á sẽ là khu vực được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch.
Về khả năng tăng lãi suất, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tại phương Tây như Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) phải thắt chặt các chính sách tiền tệ để đối phó với áp lực lạm phát do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh, một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản được dự đoán sẽ không thay đổi các kế hoạch tăng lãi suất đã vạch ra trước đó.
Khu vực châu Á được đánh giá là vẫn có lợi thế khi phương Tây thắt chặt tiền tệ do lạm phát, bởi đã có nguồn dự trữ tiền tệ tích lũy đáng kể. Kết hợp với các chiến dịch tiêm chủng và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn đặc hữu của dịch bệnh, thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.
Bất động sản nhà ở thay đổi nhu cầu về vị trí và không gian
Bước sang năm 2022, dự báo giá bất động sản nhà ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng từ 3 – 5%, dựa vào sự thay đổi về lực lượng lao động với xu hướng tăng cường lao động quốc tế và sự gia tăng nhu cầu về không gian nhà ở tích hợp không gian làm việc.
Trong thời kỳ đại dịch, hình thức làm việc tại nhà – work from home đã trở nên phổ biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi hầu hết các quốc gia đều phải trải qua những làn sóng dịch bệnh căng thẳng và thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế đông người. Ngay cả khi đại dịch hạ nhiệt và kết thúc, làm việc từ xa vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng như một hình thức làm việc hiệu quả và an toàn.
Do đó, người lao động tại các thành phố lớn của khu vực sẽ dần dần chuyển dịch nhu cầu tìm kiếm nhà ở từ trung tâm thành phố sang những vùng lân cận với giá rẻ hơn. Giá nhà tại những khu vực này sẽ tăng nhẹ, tuy nhiên, bất động sản nhà ở tại khu vực nội đô vẫn sẽ thu hút người mua và cho thuê bởi sự hấp dẫn của lối sống thành thị.
Bên cạnh đó, theo kết quả cuộc khảo sát người mua toàn cầu năm 2021 của Knight Frank (Knight Frank Global Buyer Survey 2021), sức khỏe và tinh thần sẽ là 2 giá trị mà chủ đầu tư phải quan tâm hàng đầu trong phân khúc bất động sản nhà ở tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giờ đây, người mua cần một căn nhà có đủ không gian để làm việc hiệu quả, chất lượng không khí tốt cùng với không gian xanh, thân thiện với thiên nhiên.
Trong bảng xếp hạng 7 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương là nơi tái định cư tốt nhất cho người lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ theo khảo sát của relocate.me, Úc là quốc gia đứng đầu, bởi những thành phố lớn của quốc gia này được đánh giá là cung cấp không gian cư trú cho cư dân nhiều hơn những thành phố khác trong khu vực.
Các công ty công nghệ sẽ trở thành khách thuê văn phòng chủ yếu
Trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng đáng kể đến thị trường văn phòng cho thuê, lĩnh vực công nghệ được cho là sẽ trở thành “cứu cánh” cho phân khúc bất động sản này bởi sự phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô của các công ty công nghệ.
Nguyên nhân của việc ngày càng có nhiều công ty công nghệ mở rộng văn phòng là vì nhu cầu gia tăng về những sản phẩm công nghệ, điện tử viễn thông của người dân trong thời kỳ dịch bệnh.
Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ đã tận dụng việc giá cho thuê văn phòng giảm sâu vì đại dịch để mở rộng văn phòng ở cả khu vực trung tâm và ngoại ô. Tại những nơi là trung tâm phát triển công nghệ như Singapore hay Sydney, các công ty công nghệ đã nhanh chóng chiếm chỗ của những công ty tài chính để mở rộng quy mô văn phòng.
Một trong những xu hướng của lĩnh vực công nghệ có thể dẫn đến sự thay đổi của phân khúc bất động sản văn phòng là không gian văn phòng mở. Những công ty công nghệ thu hút nhiều nhân tài và sẵn sàng điều chỉnh các chính sách làm việc, trong đó có làm việc từ xa để tạo ra môi trường làm việc thoải mái, linh hoạt. Cùng với đó, những công ty này cũng hướng đến việc cung cấp một không gian văn phòng lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên để tăng cường sức khỏe tinh thần của nhân viên. Do đó, các tòa nhà văn phòng khu vực ngoại ô, vị trí trung tâm hạng hai, hạng ba hoặc khuôn viên trường đại học trở thành sự lựa chọn mới.
Xu hướng văn phòng dùng chung, văn phòng chia sẻ (co-working space) cũng được dự đoán sẽ phát triển mạnh tại châu Á – Thái Bình Dương. Các công ty, chủ yếu là công ty công nghệ, sẽ phát triển và thuê một không gian thứ ba linh hoạt để nhân viên có thể làm việc gần nhà và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Những công ty khởi nghiệp dịch vụ cho thuê văn phòng chia sẻ đã ghi nhận số lượng gia tăng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trong thời gian gần đây. Đơn cử như “siêu kỳ lân” WeWork – công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ chia sẻ văn phòng, đã ghi nhận số lượng thành viên doanh nghiệp toàn cầu tăng từ 42% vào quý IV năm 2019 lên 51% vào giữa năm 2021.
Theo số liệu của Google, tỷ lệ sử dụng nơi làm việc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trung bình thấp hơn khoảng 18% so với mức trước đại dịch. Lực lượng lao động trẻ đang thúc đẩy xu hướng văn phòng linh hoạt và không gian làm việc mở.
Mặc dù đã có sự kiểm soát về nguồn cung, tỷ lệ văn phòng trống tại châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng từ 13 – 14% lên 14 – 16% trong năm 2022. Tuy nhiên, với tốc độ phục hồi kinh tế, nhu cầu thuê văn phòng dự kiến sẽ tăng và lĩnh vực công nghệ sẽ là động lực chính của thị trường cho thuê.
Với những diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron, thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải đối diện với nhiều biến động. Tuy nhiên, khả năng phục hồi kinh tế và khôi phục thị trường tại những phân khúc cốt lõi vẫn chiếm tỷ lệ cao bởi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực kinh tế sôi động và thu hút đầu tư hàng đầu thế giới. Trong năm tới, chiến dịch tiêm chủng và việc kiểm soát dịch bệnh được kỳ vọng sẽ triển khai hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia trong khu vực./.