Bất động sản 24h: Nhà đầu tư sẽ không còn tâm lý phòng thủ mà mạnh tay “xuống tiền”
Nhà đầu tư sẽ không còn tâm lý phòng thủ mà mạnh tay “xuống tiền”
Covid-19 đã làm xê dịch tâm lý và “khẩu vị” xuống tiền của các nhà đầu tư. Với tín hiệu tích cực từ thông tin phổ cập vaccine, nhiều dự báo cho rằng, các nhà đầu tư sẽ sớm phá bỏ tâm lý phòng thủ, mạnh tay vào hàng, chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.
Tác động của dịch bệnh đến thị trường bất động sản gần 2 năm qua đã thấy rõ qua các chỉ số biến động của nguồn cung, cầu và lượng giao dịch. Ở 3 chu kỳ đầu khi dịch bệnh bùng phát, nhà đầu tư đã xác lập một niềm tin về sự nóng trở lại của thị trường bất động sản mỗi khi số ca lây nhiễm Covid-19 được kiểm soát.
Tuy nhiên, đến làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4 với khoảng thời gian kéo dài, thị trường bất động sản đã ghi nhận chỉ tiêu tụt dốc không phanh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2021. Bước sang quý IV, giai đoạn bình thường mới, thị trường địa ốc được kỳ vọng đi ngang nhưng vẫn sẽ thấp hơn so với các năm trước. Trong khi những năm khác, thị trường sẽ có quy luật tăng dần, khó khăn trong quý I và tăng trưởng tốt trong quý IV.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sửa Luật Kinh doanh bất động sản có giúp tăng “khuôn phép” cho thị trường
Một trong những bất cập của thị trường bất động sản thời gian qua là tình trạng “sốt” giá gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Ngay trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản khi nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.
Chính đội ngũ làm môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh… đã dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo” để kiếm lợi.
Bởi vậy, trong dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất, các tổ chức cá nhân muốn hoạt động môi giới nhà đất phải lập doanh nghiệp, văn phòng và phải có chứng chỉ hành nghề… Theo đó, quy định môi giới bất động sản bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ và không cho cá nhân hoạt động môi giới độc lập… sẽ được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để lấy ý kiến.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật cho bất động sản du lịch
Nhiều “điểm nghẽn” pháp lý của thị trường BĐS du lịch đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ và đưa ra giải pháp tháo gỡ tại Hội thảo: Chính sách, pháp luật cho BĐS du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đại biểu quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp hội Bất động sản và Môi giới Hoa Kỳ (NAR); Hội định giá Bất động sản Thái Lan, Liên đoàn Bất động sản Thái Lan; Hội Công nghệ Bất động sản Indonesia, Hiệp hội Bất động sản Indonesia; Viện các Đại lý Bất động sản Singapore (IEA)… cùng hơn 100 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế và hàng trăm khách mời tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư Pháp khẳng định, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến việc khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời coi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những mục tiêu ưu tiên để hóa giải, tháo gỡ những “điểm nghẽn” của quá trình phát triển, trong đó có thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vì sao thiếu trầm trọng nhà ở xã hội: Nhìn từ mẫu số điển hình Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (Vĩnh Phúc)
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp BĐS không mặn mà với loại hình này là bởi lợi nhuận quá thấp hoặc họ phải chấp nhận chịu lỗ. Đó là lý do mà rất nhiều dự án nằm trong quy hoạch phải bố trí quỹ đất cho NƠXH đã tìm cách “biến hoá” lô đất này thành đất dịch vụ. Câu hỏi lại được đặt ra, KĐT Bắc Đầm Vạc đang được quá “ưu ái” khi quỹ đất dành cho NƠXH đã được tách riêng ra khỏi dự án? Và nghiễm nhiên, KĐT đã được hợp pháp hoá với các sản phẩm BĐS thương mại. Và hiện tại, khi quỹ đất 5,6ha được tách riêng thì khu vực phường Đống Đa đã có thêm dự án nào được triển khai và xây dựng?
Xung quanh câu chuyện này, dư luận cũng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Việc giao đất cho dự án này và một số dự án trước đây tại hồ Đầm Vạc có thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá đất không? Nếu không, điều này có thể gây thất thoát nguồn kinh phí cho Ngân sách Nhà nước lớn đến mức nào và mang lại lợi ích cho một nhóm người ra sao?
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hậu dịch, nhà đầu tư vẫn chờ “cởi trói” cho condotel
Sau thời kỳ hoàng kim, thị trường condotel chứng kiến giai đoạn chững lại, nguyên nhân chính nằm ở những điểm nghẽn liên quan đến hành lang pháp lý, quá trình đầu tư xây dựng, vận hành. Một phần cũng do cú sốc dừng cam kết lợi nhuận tại Cocobay Đà Nẵng và một số dự án khác.
Từ năm 2020 đến nay, do chịu thêm “cú đấm bồi” của đại dịch Covid-19, thị trường này gần như rơi vào trạng thái đóng băng.
Trước những thách thức đặt ra cho loại hình bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng – phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Tại Hội thảo, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam thừa nhận, lĩnh vực bất động sản du lịch đang gặp rất nhiều vấn đề.
Xem thông tin chi tiết tại đây