Bất động sản 24h: Nguồn cung bất động sản đang khan hiếm nghiêm trọng do đâu?
Nguồn cung bất động sản đang khan hiếm nghiêm trọng do đâu?
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc ách tắc các thủ tục pháp lý thì việc nhiều doanh nghiệp mua gom và đầu cơ dự án là nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản hiện nay khan hiếm nghiêm trọng.
Thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là trong quý III. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, nguồn cung bất động sản mới trên cả nước chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng đối với dự án phát triển nhà ở thương mại chỉ có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành.
Cụ thể, tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép, 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành. Tại miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép, 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành. Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép, 35 dự án với 1.540 căn hoàn thành.
Có thể thấy, tình trạng mất cân đối cung – cầu đang rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá đất ven đô tăng đột biến, phía Tây Hà Nội tiếp tục dẫn đầu thị trường
Giá đất khu vực vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, phía Tây Hà Nội tiếp tục dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực biệt thự/ nhà liền kề cũng như tăng trưởng trong lĩnh vực căn hộ dịch vụ và cho thuê thương mại.
Ngoài ra, tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, đều tăng trong khoảng 5 – 7%. Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8 – 10% (tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý IV/2020).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhìn lại toàn cảnh thị trường bất động sản 2021
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là đại dịch Covid-19, khiến kinh tế bị đình trệ, đứt gãy. Điều đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể.
Thị trường cũng phải chứng kiến tình trạng đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu – thiết bị; khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian phê duyệt – cấp phép xây dựng; vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến không thể phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án.
Từ đó dẫn tới hệ quả thị trường khó cải thiện được nguồn cung, khiến cho các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn, trong khi vẫn phải duy trì cho dự án.
Đối với thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, khó khăn lớn nhất là các vướng mắc về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển chưa được quan tâm đúng mức; chính sách hỗ trợ khó khăn của các khu bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa tương xứng; chính sách đầu tư sản phẩm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng chưa đủ để khiến các nhà đầu tư an tâm tham gia vào thị trường này. Ngoài ra, việc thiếu vắng cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào sản phẩm bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng trong nước, cũng là một nút thắt lớn cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng nói riêng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Pháp luật về bất động sản của chúng ta chằng chéo, mâu thuẫn như ‘mớ tơ vò'”
LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, trong kinh doanh bất động sản, pháp lý là số một quyết định mọi vấn đề, có nhiều vướng mắc nhất và cũng đem nhiều nguy cơ rủi ro nhiều nhất… Trong các luật, Luật Đất đai là gốc của mọi vấn đề. Mọi con đường đều dẫn đến đất đai.
Vị chuyên gia cũng thẳng thắn khẳng định: “Luật của chúng ta chằng chéo, mẫu thuẫn như “mớ tơ vò”, được bàn rất nhiều và cũng được sửa đổi, nhưng điều quan trọng là vấn đề đồng bộ thuận lợi giữa các luật. Những luật được ban hành có những quy định chung chung, có chữ “và” “hoặc” nên nhiều khi vướng mắc cho doanh nghiệp vì các phạm trù đều khác nhau.
Bên cạnh đó, luật đất đai hiện nay đang gây khó khăn, trở ngại cho các hoạt động kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn như, doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, kể cả đất ở, nhưng vẫn phải trả tiền cho Nhà nước để chuyển sang chế độ đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê trước hàng năm. Như vậy không khác nào phải “mua đất” 2 lần,… điều này dễ dẫn đến bế tắc trong việc giải quyết quyền sở hữu hợp pháp phần bất động sản trên đất.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản hậu Covid-19
Doanh nghiệp bất động sản còn kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục sau dịch. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên, chính sách ở đây không nên chỉ nói đến chính sách về phía Nhà nước mà còn cần cả sự phối hợp giữa đồng bộ giữa các chủ thể khác bao gồm: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ngân hàng. Như vậy mới có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản một thị trường vốn rất nhiều tiềm năng lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lớn nếu thiếu sự đồng bộ vào cuộc của tất cả các chủ thể.
Xem thông tin chi tiết tại đây