Bất động sản 24h: Ngăn chặn tình trạng cá nhân tự ý phân lô bán nền
Ngăn chặn tình trạng cá nhân tự ý phân lô bán nền
Mới đây, một số cá nhân là chủ các khu đất tại huyện Củ Chi, TP.HCM, đã gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị chấp thuận chủ trương dự án đất nền phục vụ công nhân và người lao động thu nhập thấp dưới dạng phân lô, bán nền. Theo hồ sơ gửi đến Sở KH&ĐT, năm khu đất của các cá nhân nằm tại các xã Tân An Hội, An Nhơn Tây, Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Trong các khu đất, có khu đất vừa thuộc quyền sử dụng của một cá nhân, có khu đất lại thuộc quyền sử dụng chung của nhiều cá nhân. Loại đất gồm có cả đất ở tại nông thôn và đất trồng cây hằng năm khác. Mục đích đề xuất là xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền để công nhân, người lao động tự xây dựng nhà ở.
Liên quan đến các đề xuất trên, Sở KH&ĐT đã có văn bản báo cáo UBND TP. Theo đó, Sở KH&ĐT kiến nghị thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của các nhà đầu tư cá nhân. Lý do, theo Luật Đất đai 2013 quy định chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai. Ngoài ra, dự án phải thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng dưới hình thức phân lô, bán nền theo quy định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới
Với chủ đề “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh”, Hội thảo trực tuyến được tổ chức vào Ngày đô thị Việt Nam 8/11/2021 có sự tham gia của các chuyên gia về phát triển đô thị đến từ Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các Đô thị Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Văn phòng Hợp tác Thuỵ Sỹ tại Việt Nam (SECO).
Bên cạnh đó, hội thảo còn có có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, các địa phương thành công trong công tác ứng phó dịch bênh như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) như các tỉnh miền núi phía Bắc, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội rà soát và tiếp tục triển khai việc đăng tải thông tin đồ án quy hoạch
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 4363/BXD-QHKT ngày 25/10/2021; báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trong tháng 11/2021.
Được biết, sau khi Bộ Xây dựng có văn bản trên thì đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi chưa đăng tải hoặc với số lượng rất hạn chế lên cổng thông tin điện tử tên miền www.quyhoach.xaydung.gov.vn.
Cụ thể, toàn quốc có 53 tỉnh, thành phố đã tiến hành đăng tải với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Trong đó, tháng 10/2021, TP Hà Nội đã đăng tải 63 đồ án quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên có một số địa phương chưa thực hiện như: Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Sóc Trăng… Và nhiều địa phương đăng tải với số lượng hạn chế chỉ 1 đồ án là An Giang, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Bến Tre, Cao Bằng, Nghệ An, Sơn La… Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị phải tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác trên.
Xem thông tin chi tiết tại đây
ĐBQH Lê Thanh Vân: “Từ chuyện ùn tắc giao thông lộ nhiều yếu kém trong quy hoạch đô thị Hà Nội”
“Công tác quản lý chiến lược và quy hoạch giao thông đô thị tại Hà Nội nhiều năm qua làm manh mún, xây quá nhiều nhà cao tầng trong nội đô khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Trong cuộc trao đổi với Reatimes về đề án lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội, TS. Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV) cho rằng, cần phải thận trọng, tránh cảm tính và lý thuyết suông. Từ câu chuyện chống ùn tắc giao thông cần phải nhìn rộng hơn đến vấn đề quy hoạch đô thị của Hà Nội.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quản lý môi giới bất động sản: Nhận diện môi giới BĐS chuyên nghiệp thông qua chứng chỉ hành nghề và mã số công nghệ
Tại Dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Bộ Xây dựng công bố mới đây để lấy ý kiến góp ý, Bộ đánh giá hoạt động môi giới bất động sản là loại hình kinh doanh dịch vụ ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, có khoảng 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản với khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới. Lực lượng môi giới đông đảo với chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho giai đoạn 2014 – 2019, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng, khiến thị trường bất động sản bị lũng đoạn và những cơn sốt đất ảo cũng từ đó hình thành.
Căn cứ vào thực trạng trên, Bộ Xây dựng kiến nghị chỉnh sửa một số nội dung trong chính sách về kinh doanh môi giới bất động sản để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới được chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng; đồng thời, xây dựng cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây