Bất động sản 24h: Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản
Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản
Lĩnh vực bất động sản hiện đóng góp khoảng 7 – 8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2022, thị trường bất động sản sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, một số dòng vốn lớn được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản gồm vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư công cũng được cho sẽ tạo xung lực tích cực trực tiếp và gián tiếp làm tăng quy mô và định hướng dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia, ở góc độ vĩ mô, thị trường bất động sản được xem là một trong những “rốn” hấp thụ lạm phát trong bối cảnh các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cần sớm được “hà hơi” thông qua những gói kích thích quy mô. Theo đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường này sẽ là một trong những ưu tiên của những nhà làm chính sách.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 44 triệu mét vuông sàn nhà ở
Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 44 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn/người.
Theo đó, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, để thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, thành phố dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường chung cư cũ tăng giá “chóng mặt” vào dịp cuối năm
Dạo gần đây, một loạt các thông tin về các khu tập thể có tuổi đời lên đến hàng chục năm, mặc dù khá cũ kỹ, có diện tích nhỏ nhưng được rao bán với giá “trên trời”.
Cụ thể, trên trang batdongsan.com đăng tin rao bán một căn hộ tập thể với diện tích vỏn vẹn 24m2 ở phố Vọng Đức (Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) với mức giá 2,4 tỷ đồng. Đồng nghĩa với mỗi mét vuông của căn hộ này có giá lên đến 100 triệu đồng/m2.
Cùng quận Hoàn Kiếm, trên đường Trần Quốc Toản, căn hộ tập thể tầng 4 với diện tích trên sổ chỉ 16,5m2 cũng đang được giao bán với giá 1,35 tỷ đồng, tức là gần 82 triệu đồng/m2 với lời mời chào có hộ khẩu quận Hoàn Kiếm.
Tương tự, môt căn hộ tập thể ở tầng 1, rộng 52m2 trên con phố Bà Triệu cũng cần bán gấp với giá 4,5 tỷ đồng, tức là trên 86 triệu đồng/m2. Nằm trên cùng phố Bà Triệu, một căn tập thể khác ở tầng 1, diện tích chỉ 38m2, có sổ đỏ, được chủ nhà rao bán với giá 3,6 tỷ đồng, tương ương với 94 triệu đồng/m2.
Mới đây nhất, trên một trang chuyên bán bất động sản của Hà Nội cũng có một căn hộ tập thể cũ ở tầng 3 trên phố Tạm Khương (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có diện tích gần 80m2 và 20m2 cơi nới. Mức giá bán công khai lên tới 8,5 tỷ đồng, tương đương với 100 triệu đồng/m2 đã khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tháo gỡ rào cản pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Bất động sản du lịch (Resort Real Estate) là các bất động sản phục vụ lưu trú được xây dựng tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, ví dụ như: Biệt thự du lịch (Resort villa), căn hộ du lịch (Condotel) và một số loại hình kết hợp giữa lưu trú, du lịch, nghỉ dưỡng khác được các chủ đầu tư bán lại cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư có 2 lựa chọn: Một là tự mình đứng ra kinh doanh hoặc hai là giao chủ đầu tư quản lý, vận hành kinh doanh, sau đó hưởng phần lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Loại hình bất động sản này là những sản phẩm có thể coi là sự kết hợp khá tốt giữa bất động sản đầu tư, cho thuê, nghỉ dưỡng được xây dựng với mục đích cung cấp các dịch vụ thương mại, lưu trú, tăng trải nghiệm và tiện ích cho cả chủ đầu tư lẫn cộng đồng khách du lịch.
Để khắc phục rào cản pháp lý liên quan đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đối với bất động sản du lịch thì rõ ràng cần phải định hình khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch đặc biệt là hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật về thủ tục đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Sóng” lại nổi ở vùng ven, nhà đầu tư mua bán đất như “mớ rau”
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, không thuận lợi để kinh doanh nên nhiều nhà đầu tư chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền. Hiện nay, nhà đầu tư đang đổ về vùng ven Thủ đô săn đất khiến giá bất động sản cũng tăng mạnh.
Mới đây, sau khi có thông tin đề xuất chủ trương phát triển huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố. Ngay lập tức, thông tin nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt giới đầu tư bất động sản quan tâm tới để tìm cơ hội đón sóng.
Theo khảo sát, tại huyện Đông Anh đất phân lô trong khu dân cư tại xã Vân Nội đang được rao bán với mức giá từ 30 – 40 triệu đồng/m2, tại xã Nam Hồng, Tiên Dương những mảnh đất gần đường quốc lộ 23B đang được rao bán với mức giá khoảng 50 triệu đồng/m2, tại mặt đường ngõ cũng đang được giao dịch với giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây