Bất động sản 24h: Giá BĐS quý IV tăng chóng mặt, một số nơi xuất hiện “bong bóng“, giá ảo

Giá bất động sản quý IV tăng chóng mặt, một số nơi xuất hiện “bong bóng”, giá ảo

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Giá đất nền ở các khu vực tăng ảo theo các dự án lớn. Giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, cơn sốt bất động sản đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành. Nếu không vì dịch bệnh, có lẽ cơn sốt này còn “bùng” lên mạnh mẽ. Có thể thấy, giá rao bán nhiều nơi được “thổi” lên chóng mặt. Chính điều này cũng tạo ra thế khó cho thị trường khi người muốn mua không mua được, người định bán lại… ngập ngừng rồi “hét giá”. Cung – cầu khó gặp nhau. 

Theo báo cáo thị trường quý IV/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý cuối năm là giá bất động sản liên tục tăng bất chấp Covid-19. Quá trình hình thành các đô thị mới đang dẫn dắt quá trình tăng giá. Cùng với đó, nguồn cung thiếu hụt dẫn đến việc giá bất động sản tăng cao. Thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng mạnh theo các dự án. Tuy nhiên, theo đơn vị này, giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Ở một số khu vực sự tăng giá có những độ ảo, tăng không đúng giá trị tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. Không chỉ giá ảo mà thị trường còn có nguồn cầu ảo, dòng tiền đổ vào thị trường không nhằm mục đích đầu tư bất động sản bền vững mà chỉ là phương thức đầu tư tài chính thông qua hàng hóa bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường khách sạn Hà Nội sôi động trở lại trong năm 2022

Hoạt động bất động sản tại Hà Nội bắt đầu ghi nhận những cải thiện tích cực. Trong đó, thị trường khách sạn đang có diễn biến sôi động từ đầu năm 2022.

Trái ngược với không khí rộn ràng vào dịp cuối năm thường thấy ở giai đoạn trước đại dịch, hoạt động kinh doanh khách sạn năm nay có phần trầm lắng hơn. Theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, mặc dù kết quả hoạt động của thị trường khách sạn không có sự đột biến trong dịp cuối năm 2021 nhưng thị trường vẫn kỳ vọng sự khởi sắc vào quý I/2022, thậm chí đầy hy vọng cho quý II khi các đường bay thương mại quốc tế được phục hồi. 

Báo cáo mới đây của Savills cho hay, nguồn cung khách sạn trên thị trường Hà Nội khá ổn định. Hơn một nửa số phòng đến từ 17 khách sạn 5 sao. Phân khúc này dự kiến dẫn dắt nguồn cung đến năm 2023 với 8 trên 13 dự án mới đi vào hoạt động. Thị trường chủ yếu nằm tại khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung.

Mặc dù giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 10, công suất quý IV/2021 chỉ đạt 27%. Phân khúc khách sạn 5 sao có công suất cao nhất với 31%, theo sau là khách sạn 4 sao đạt 24% và khách sạn 3 sao đạt 18%. Phân khúc khách sạn 5 sao với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn vẫn dẫn đầu về lượng khách thuê.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đất đai “nằm chờ” xuyên thập kỷ: Quy hoạch không gian mà “bỏ quên quy hoạch thời gian”?

Dù đã có quy định về việc thu hồi những dự án chậm tiến độ nhưng quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn. Phải chăng, chúng ta chỉ quan tâm đến quy hoạch không gian còn “quy hoạch thời gian” chưa được chú trọng?

Nhiều năm qua, dự án “treo” xuất hiện nhan nhản ở khắp các địa bàn quận, huyện khiến bộ mặt đô thị không ít nơi trở nên nhếch nhác. Thậm chí, có những dự án “nằm chờ” đến tận 10 – 20 năm gây lãng phí tài nguyên đất và khiến cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch dự án gặp không ít khó khăn do không thể chuyển nhượng, mua bán hay xây dựng…

Hơn nữa, tại một số dự án còn xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gây mất trật tự văn minh đô thị.

Các dự án “treo” không chỉ tồn tại ở khu vực ngoại thành mà còn “điểm mặt” ở những vị trí được coi là “đất vàng” trong nội đô như: Công trình Khu dịch vụ văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, được xây dựng hơn chục năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện; dự án Khu nhà ở văn phòng ICD tại khu vực hồ An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ) đã “treo” hơn 30 năm; dự án Sông Hồng City với diện tích 51.300m2 tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (tại quận Tây Hồ và Ba Đình) “treo” 26 năm… 

Mặc dù đã có quy định về việc thu hồi những dự án chậm tiến độ kéo dài nhưng quá trình thực thi vẫn còn gặp không ít khó khăn, phức tạp. Nhiều chủ đầu tư không còn năng lực triển khai các dự án nhưng vẫn quyết “ôm đất”, không chịu “nhả” dự án. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư hưởng lợi từ chuyển nhượng dự án nhưng đất đai thực hiện dự án thì không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần có đánh giá độc lập về giá trị của bất động sản Thủ Thiêm

TS. Phan Văn Ngoan, Viện trưởng Viện Kinh Tế Xanh “KĐT mới Thủ Thiêm có vai trò hết sức đặc biệt vì nằm ở vị trí chiến lược thuộc dạng khan hiếm, đắc địa bậc nhất trên thị trường bất động sản không chỉ ở Việt Nam…”.

Theo TS. Phan Văn Ngoan, việc đấu giá vừa qua diễn ra công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật. Cần phải duy trì phương thức này để bán tài sản công trong đó có bất động sản. Các cơ quan chức năng có liên quan của TP.HCM đã tổ chức phiên đấu giá đúng pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hình thức đấu giá công khai minh bạch, cho đến nay vẫn là phương thức minh bạch và công bằng nhất để phân bố tài nguyên chung. Đặc biệt là sau đại dịch Covid 19, thành phố cần nguồn tài chính để tái thiết. Chính phủ cũng đang rất quyết liệt với các chính sách tài khoá và các gói cứu trợ nhằm kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, phần lớn các gói hỗ trợ, chủ yếu tập trung vào giảm thuế hay hỗ trợ lãi suất, đều là các biện pháp kích thích, giảm chi phí đầu ra, trong khi thành phố cần nguồn tài chính trực tiếp để thực hiện các công tác an sinh xã hội cho người dân, cũng như hoàn thiện hạ tầng của Thủ Thiêm để nâng cao giá trị như quy hoạch hướng tới. Việc đấu giá những mảnh đất vàng trong quỹ đất của Thành phố sẽ mang lại cho thành phố nguồn tài chính lớn và kịp thời.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đẩy nhanh điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hà Nội

Cử tri cho rằng, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang bị kéo dài, vì vậy cần có cơ chế tháo gỡ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Trả lời về vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết, tại văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành, Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô năm 2012, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô năm 2012 và pháp luật hiện hành có liên quan.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích