Bất động sản 24h: Giá bán căn hộ TP.HCM tăng trở lại

Giá bán căn hộ TP.HCM tăng trở lại

Dẫn số liệu từ CBRE, các chuyên gia của VNDIRECT Research cho biết, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM năm 2022 sẽ phục hồi 69,5% so với cùng kỳ lên 22.000 căn và tăng 55,7% so với cùng kỳ lên 34.000 căn vào năm 2023, trong đó phân khúc trung cấp tăng trở lại chiếm 30 – 50% tổng nguồn cung căn hộ.

VNDIRECT Research tin rằng, thị trường nhà ở vùng ven tại TP.HCM như: Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Thủ Đức sẽ thu hút đầu tư vào năm 2022, nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng.

Từ những số liệu trên, VNDIRECT Research duy trì triển vọng khả quan cho thị trường BĐS nhà ở tại các tỉnh lân cận của TP.HCM trong năm 2022, đón nhận những tích cực từ cả cung cầu và giá bán. Sau những thời gian trải nghiệm làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch, người mua nhà sẽ chú ý tới những ngôi nhà có diện tích lớn hơn, hướng đến môi trường sống tích hợp, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao và làm việc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá đất lại “nhảy múa” ở những “tâm chấn” sốt đất dịp cuối năm

Tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tuy ảnh hưởng của dịch nhưng giá đất nền vẫn tăng mạnh tại nhiều địa phương. Vào cuối quý I đầu quý II, thị trường đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng còn cho biết thêm, hiện tượng các sàn giao dịch câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường vẫn xảy ra.

Nhằm đưa ra thông cụ thể hơn về tình trạng sốt đất thời gian qua cũng như diễn biến sốt đất quay trở lại vào thời điểm cuối năm, phóng viên Reatimes đã tiến hành ghi nhận thông tin từ một số sàn giao dịch, môi giới nhà đất và qua khảo sát thực tế. Theo đó, thị trường bất động sản nhen nhóm sốt đất trở lại với hình ảnh tấp nập, chen chúc nhau ở các khu đất đấu giá, những nơi xuất hiện quy hoạch dự án… Và một số nơi đất bị “đẩy giá” dù chưa có yếu tố liên quan đến phát triển hạ tầng, quy hoạch…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khu đô thị thiếu trường học: Căn bệnh nan y và lời giải từ góc độ pháp lý

Pháp luật đã có đầy đủ quy định nhưng tình trạng các khu đô thị (KĐT) “quên” trường học vẫn diễn ra rất phổ biển, vì vậy cần truy xét để quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, giám sát, góp phần dẫn tới hệ lụy này.

Câu chuyện các khu đô thị (KĐT) tại Hà Nội, TP.HCM thiếu trường học không còn là vấn đề mới, thậm chí đã trở nên rất phổ biến hơn 10 năm qua, trong số này phải kể tới hàng loạt cái tên như: KĐT Đoàn Ngoại giao (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp, làm chủ đầu tư), KĐT Xuân Phương Viglacera (Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư), KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị – HUD thuộc Bộ Xây dựng đầu tư), KĐT mới Cầu Bươu (Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội – Handico làm chủ đầu tư), Khu chức năng đô thị Ao Sào (Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư), KĐT mới Vân Canh (HUD làm chủ đầu tư), KĐT mới Phùng Khoang (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư)…

Hay gần đây là câu chuyện khu đất quy hoạch bệnh viện quốc tế 500 giường trong dự án KĐT mới Dương Nội (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư) sau gần chục năm vẫn còn là bãi đất trống, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân là rất lớn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Văn phòng cho thuê rục rịch đón khách trở lại

Từ đầu tháng 10 đến nay, chuỗi văn phòng cho thuê VNO chốt được 5 khách thuê mặt bằng tại quận 1 và quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nhóm khách thuê mới là doanh nghiệp logistics, bất động sản, du lịch nội địa, thực phẩm, trong đó một khách hàng là công ty Nhật.

Chuỗi Sabay Home chuyên cho thuê văn phòng gần sân bay Tân Sơn Nhất và quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng ký hợp đồng cho 5 công ty thuê văn phòng truyền thống, 30 khách thuê văn phòng ảo, văn phòng chia sẻ và văn phòng trọn gói.

Tại TP.HCM, Toong đã đưa thêm 2 địa điểm không gian làm việc mới đi vào hoạt động tại 18E – Cộng Hòa (quận Tân Bình) và 186 – Võ Thị Sáu (quận 3). Dù mới hoàn thành thi công từ cuối tháng 11, tòa nhà số 186 – Võ Thị Sáu đã được một số doanh nghiệp đặt tới 90% từ trước đó cả tháng. Còn tòa nhà trên đường Cộng Hòa, ngay khi được đưa vào vận hành giữa tháng 10, đã chào đón các doanh nghiệp có quy mô nhân sự lớn đi kèm yêu cầu về hệ sinh thái môi trường làm việc sinh động và tiện nghi.

Lý giải về sự “ấm” lại của thị trường văn phòng cho thuê, ông Dương Đỗ – CEO của Toong cho rằng, đây chính là những tác động tích cực của việc mở rộng tiêm vắc-xin, các doanh nghiệp đang tăng tốc quay lại văn phòng làm việc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ninh Thuận: Chấp thuận chủ đầu tư dự án khu đô thị mới hơn 4.400 tỷ đồng

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định về việc công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gồm Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần Bất động sản Đông Đô – Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Kiều Anh Tuấn) là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.

Một góc khu vực biển Cà Ná, Ninh Thuận.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thông báo và hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung nộp hồ sơ trình Quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Tài chính phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, các đơn vị liên quan khẩn trương xác lập giá sàn nộp ngân sách Nhà nước, làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Xem thông tin cho tiết tại đây

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích