Bất động sản 24h: Cơ hội “tháo nghẽn” nguồn cung bất động sản tới gần
Cơ hội “tháo nghẽn” nguồn cung bất động sản tới gần
Tâm điểm của thị trường tuần vừa qua là kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV với 4 vấn đề sẽ tác động mạnh tới thị trường bất động sản ở cả góc độ trực tiếp lẫn gián tiếp.
Ngoài Nghị quyết về chính sách tài khóa – tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế với gói hỗ trợ lên tới khoảng 340.000 tỷ đồng có thể tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế cũng như thúc đẩy dòng tiền gián tiếp đổ vào thị trường bất động sản, thì các vấn đề còn lại đều tác động trực tiếp tới sự vận hành của thị trường.
Cụ thể là trong khi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam vừa kích thích tổng cầu, vừa phát triển thị trường bất động sản nơi cao tốc đi qua, thì việc sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 75, Luật Đầu tư về công nhận chủ đầu tư dự án… sẽ “tháo chốt” cho ít nhất 208 dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội mắc kẹt suốt nhiều năm qua, tạo cú hích quan trọng về nguồn cung.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vấn nạn “ôm đất” và câu chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” trên thị trường bất động sản
Dự án “ôm đất” rồi bỏ hoang nhiều năm, thậm chí hàng chục năm đã trở thành “chuyện thường” trong quá trình đô thị hóa, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm nham nhở bộ mặt đô thị và gây nhiều hệ lụy cho thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ, phân nhóm dự án, “dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn héc-ta đất ở các khu đô thị nằm chờ hàng chục năm, gây lãng phí rất lớn”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đòn bẩy hạ tầng giúp bất động sản khu Nam Sài Gòn “dậy sóng” những ngày cận Tết
Hiện nay, tốc độ tăng dân số của TP.HCM đang rất cao. Tính đến đầu năm 2020, TP.HCM có 9 triệu người, nếu tính cả người nhập cư sẽ là 14 triệu người. Dự kiến đến năm 2030, dân số TP.HCM sẽ đạt mốc 24 – 25 triệu người. Đô thị hóa và dân số đang tạo sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, giao thông. Trước tình hình này, TP.HCM đang nghiên cứu nhiều giải pháp như sắp xếp lại các quận huyện hoặc mở rộng về phía Nam.
Để giải bài toán đô thị hóa và gia tăng dân số cho TP.HCM, các chuyên gia đã hiến kế nhiều giải pháp; trong đó đáng chú ý là mở rộng địa giới thành phố về phía Nam, cụ thể là về hướng Cần Giuộc (tỉnh Long An). Nguyên nhân là do hiện nay, đô thị hóa ở những tiểu vùng đô thị như Cần Giuộc rất cao, dự báo đến năm 2030 đạt 90%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chuyên gia cảnh báo về cổ phiếu bất động sản
“Cơn sốt” cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục sục sôi với đà tăng bứt tốc trong những ngày đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc.
Trong những ngày đầu năm 2022, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng hưng phấn với đà tăng trưởng của nhiều nhóm cổ phiếu, điển hình là nhóm bất động sản. Đây là một trong những động lực giúp chỉ số VN-Index vượt mốc 1.500 điểm.
Cụ thể, cổ phiếu DIG của DIC Corp vượt mốc 117.000 đồng/cp, hay mã CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, FLC của Tập đoàn FLC và nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng ghi dấu với những phiên tăng trần liên tiếp.
Hiện tại, không ít các nhà đầu tư và chuyên gia vẫn có đánh giá lạc quan về nhóm cổ phiếu bất động sản. Kỳ vọng này của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở vì sau thời gian ảnh hưởng bởi giãn cách do dịch Covid-19, hàng loạt dự án được triển khai dự báo sẽ giúp thanh khoản thị trường bất động sản sớm được hồi phục. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ đầu tư công và kế hoạch kích cầu tiêu dùng sẽ là cú hích giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bắc Ninh không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản
“Bắc Ninh không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản” – đó là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh trong cuộc trao đổi với Reatimes, về chính sách thu hút nhà đầu tư và đảm bảo việc vận hành thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, ổn định.
Xem thông tin chi tiết tại đây