Bất động sản 24h: Chung cư cũ giá rẻ tăng giá bất chấp đại dịch
Chung cư cũ giá rẻ tăng giá bất chấp đại dịch
Thực trạng khan hiếm nguồn cung nhà vừa túi tiền trong những năm gần đây đã khiến cho căn hộ ở những khu chung cư cũ, đã xây từ nhiều năm trước vẫn có giao dịch đều. Đáng chú ý, giá bán của những căn hộ giá rẻ này thậm chí còn tăng nhẹ khi rao bán lại.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị. Thế nhưng đến nay mới có hơn 5,1 triệu m2 nhà ở xã hội được xây dựng, đạt khoảng 41,4% so với mục tiêu 12,5 triệu m2 nhà ở đề ra.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam năm 2020 cho thấy, tổng căn hộ mới chào bán trên thị trường Hà Nội là 16.350 sản phẩm. Trong đó, căn hộ bình dân chỉ chiếm 12,5% nguồn cung, mặc dù đây là phân khúc mà lực cầu chiếm đến 80% dân số.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Xây dựng cũng cho biết tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 vô cùng khan hiếm. Thậm chí những dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 nay đã thiết lập mức giá mới, tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Gần 300 dự án chậm triển khai, sai phạm về đất đai
Tính đến tháng 5/2021, TP. Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, 63 dự án vướng các sai phạm khác.
Theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố, mặc dù UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp.
Cụ thể, có 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.
Trong đó, 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải mã triển vọng đầu tư bất động sản năm 2022
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi vào quý II/2022 khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Trong đó, bất động sản công nghiệp, văn phòng và nhà ở sẽ là 3 phân khúc hút vốn nhà đầu tư.
Savills vừa công bố kết quả từ cuộc khảo sát chuyên sâu về dự báo triển vọng năm 2022 cho hoạt động đầu tư, cho thuê thương mại và tầm ảnh hưởng của các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp tại 36 thành phố lớn trên thế giới trong năm 2022.
Kết quả cho thấy khả năng phục hồi khả quan của ngành bất động sản trong thời kỳ chịu nhiều thay đổi dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trên phạm vi toàn cầu, khi các hạn chế di chuyển giảm dần ở các quốc gia.
Nghiên cứu kỳ vọng 47% tổng vốn đầu tư sẽ đến từ các nhà đầu tư quốc tế và khoảng gần 50% đến từ các nước láng giềng vào năm 2022.
Bên cạnh hoạt động đầu tư sôi động trở lại sau dịch bệnh, 75% người tham gia khảo sát cũng cho rằng phát triển bền vững là yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khi sai phạm dễ dàng hợp thức hóa, còn ai muốn thực hiện đúng luật?
Các chuyên gia lo ngại, nếu cứ để cho doanh nghiệp sai phạm rồi phạt cho tồn tại, hợp thức hóa cho những sai phạm xây dựng đó thì uy nghiêm của pháp luật còn đâu? Và câu chuyện trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để các công trình xây dựng không phép, sai phép ngang nhiên hoạt động dường như cũng đang bị bỏ ngỏ.
Thời gian gần đây, dư luận đang rất bức xúc trước một dự án sai phạm xây dựng trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, chỉ đến khi thanh tra vào cuộc, mọi sai phạm mới bị phanh phui. Đó là dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế – Sago Palm Garden Hưng Yên, nằm trên khu đất Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel do công ty Đại Hưng làm chủ đầu tư.
Đầu năm 2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố Kết luận thanh tra thể hiện Công ty Đại Hưng vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Savills hoàn tất thương vụ mua lại 30% cổ phần RealPlus mở rộng thị phần bất động sản nhà ở tại Việt Nam
Ngày 3/8, Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Savills có trụ sở tại Vương quốc Anh đã vừa chính thức công bố về thương vụ mua lại 30% cổ phần của Công ty Bất động sản RealPlus – một trong những công ty dẫn đầu thị trường bất động sản tại Việt Nam. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào hè 2021, khi liên doanh giữa Realplus với Savills chính thức ra mắt.
Liên doanh giữa Savills và RealPlus mang lại lợi thế vô cùng quan trọng khi cả hai đơn vị đều là những công ty có kinh nghiệm chuyên môn trong cả thị trường quốc tế và Việt Nam; đồng thời mở ra định hướng phát triển thị phần trên thị trường bất động sản tại châu Á.
Nhận định về sự đầu tư chiến lược này, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng tầm hoạt động của Savills ở thị trường nhà ở tại Việt Nam. Hiện nay, thị trường nhà ở vẫn đang phát triển một cách nhanh chóng, tuy nhiên tính cạnh tranh lại rất cao. Chúng tôi biết rất rõ việc hợp tác cùng RealPlus giúp cho khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam của Savills trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trong khi Savills có thể mạnh về truyền thông thì RealPlus lại có nhiều ưu thế về công nghệ, sự kết hợp này chính là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của cả hai bên. RealPlus cũng sẽ có một khoản tiền đầu tư vào công nghệ từ việc bán cổ phần này, nhằm chuẩn bị cho bước nhảy vọt sau đại dịch”.
Xem thông tin chi tiết tại đây