Bất động sản 24h: Bất chấp dịch bệnh, giá đất tại Hà Nội vẫn trên “đỉnh”
Bất chấp dịch bệnh, giá đất tại Hà Nội vẫn trên “đỉnh”
Báo cáo về thị trường bất động sản quý III/2021 của Bộ Xây dựng, nhìn chung giá đất nền cơ bản vẫn không có gì thay đổi so với quý II/2021.
Đáng chú ý, ở miền Bắc, cụ thể là Hà Nội giá đất nền được đánh giá vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa có sự sụt giảm. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 – 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).
Tại Hà Nội, đất dự án tại khu đô thị mới Đại Kim – Định Công có giá khoảng 46 triệu đồng/m2, khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh có giá khoảng 34 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow Twin Parks có giá khoảng 94 triệu đồng/m2, khu đô thị Kim Chung – Di Trạch có giá khoảng 52 triệu đồng/m2.
Dựa vào báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của Bộ Xây dựng nếu so với sánh có thể thấy, giá đất tại Hà Nội hiện vẫn đang neo ở mức cao.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sau “sốt đất”, giá khởi điểm đấu giá đất vùng nông thôn cao ngất
Mới đây, thông tin UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm một số lô đất cao ngất ngưởng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũng khiến giới đầu tư giật mình.
Cụ thể, xã Mỹ Thắng là địa phương có nhiều lô đất được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm cao 30-50 triệu đồng/m2, tương đương với giá mỗi lô đất 2,3 đến 6,4 tỷ đồng, tùy vào diện tích. Cá biệt, tại xã này cũng có 6 lô đất tại vị trí đường xã (từ giáp địa giới xã Mỹ Hưng đến Cầu Thịnh) có diện tích từ 87,7 đến 107,3 m2 có giá khởi điểm 110 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 9 đến 11 tỷ đồng/ lô.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm có xảy ra tình trạng “sốt đất”. “Bởi khi “sốt đất” giá đất không thực, là “giá ảo”, “giá bong bóng” nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt và thực tế là chưa đầu tư đã thấy lỗ, nhất là khi tham gia các phiên đấu giá đất với tâm lý “ganh đua” nên bị “say đòn” trả giá cao hơn nhiều mức mục tiêu để rồi bị bước hụt”, ông Đính cảnh báo.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản: Những tháng cuối năm sẽ không có nhiều thay đổi lớn
TS. Sử Ngọc Khương cho biết, từ nay đến cuối năm và thậm chí bước sang đầu năm 2022, thị trường BĐS sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Nếu có thay đổi, phần lớn nghiêng về các dự án BĐS thuộc phân khúc nhà ở được tung ra thị trường và nhu cầu của người dân trong giai đoạn này. Tuy nhiên, để giá cả tăng một cách đột xuất sẽ rất khó diễn ra, bởi các doanh nghiệp thời điểm này đang muốn ra hàng để tăng nguồn thu.
Mặt khác, nguồn thu của người dân trong thời gian qua cũng bị hạn chế do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nên người mua sẽ có sự cân nhắc, nhưng trong trường hợp đã có sẵn tiền, tức dòng tiền đã được chuẩn bị từ trước để mua những sản phẩm nhà ở phục vụ cuộc sống của họ thì có thể sẽ diễn ra.
Nhóm thứ 2 là những người có dòng tiền nhàn rỗi thay vì gửi ngân hàng thì họ đầu tư vào BĐS, nhưng nếu đầu tư lướt sóng để kiếm lời trong thời gian tới sẽ rất khó để thực hiện, đặc biệt là trong quý IV/2021, khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn, vẫn còn những hạn chế trong việc tiếp xúc xã hội, hay hoạt động kinh doanh vẫn đang cầm chừng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chính sách pháp lý thay đổi, nhà đầu tư bất động sản không ngoài cuộc
Bắt nhịp sự tăng trưởng mạnh mẽ của các giao dịch bất động sản Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, những quy định pháp luật trong quá trình đầu tư, phát triển dự án lĩnh vực này cũng có những thay đổi.
Cụ thể, tại Hội thảo trực tuyến: “Các điểm mới trong chính sách pháp lý về bất động sản và giải pháp”, ông Trần Đại Nghĩa, chuyên gia pháp lý dự án, thành viên đồng sáng lập Realcom cho rằng, hiện nay nhiều luật định nói chung và các luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai nói riêng đang có những điều chỉnh nhất định như: Luật Đầu tư 2020, Luật Quy hoạch 2017, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… Việc sửa đổi, bổ sung những luật này đã và đang tạo ra một cuộc chơi mới cho lĩnh vực bất động sản.
Đơn cử trong mảng đầu tư, từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực với những điều chỉnh đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực cho các nhà phát triển bất động sản. Quy trình được rút ngắn đáng kể, chính quyền địa phương được tăng quyền tự quyết, chủ trương đầu tư nhà ở được thống nhất đồng bộ ở các văn bản và rào cản về phát triển đô thị cũng dần “nới lỏng”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thiếu quy chuẩn về căn hộ thôn minh, dễ có tình trạng “gắn mác làm sang” trên thị trường
Đi dọc tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội), cứ một đoạn lại bắt gặp một công trình cao ốc đang thi công dở. Các công trình đều chạy các tấm pano cỡ lớn để quảng bá dự án. Nhưng điều đáng lưu ý là thông tin lãi suất vay mua nhà hay giá trị căn hộ không phải là nổi bật nhất, thay vào đó là thông tin căn hộ 4.0 hay căn hộ thông minh.
Gần như căn hộ thông minh đã trở thành một tiêu chí mà dự án nhà ở nào cũng muốn sở hữu. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân, những công trình này còn góp phần nâng cao giá trị, tính cạnh tranh cho chủ đầu tư.
Về giá bán, giống với các nước trong khu vực, giá bán một căn hộ thông minh tại Việt Nam cao hơn các căn hộ truyền thống từ 10 – 15%. Tuy nhiên, khi thị trường thiết bị công nghệ trong nước dần tiến bộ, tự sản xuất được đa số mặt hàng, giá thành của một căn hộ thông minh được giảm tương đối. Vì vậy, không chỉ các chủ đầu tư lớn, tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản mà cả những chủ đầu tư nhỏ, mới nổi cũng đã và đang nhảy vào kinh doanh loại hình này.
Việc phát triển căn hộ thông minh là tín hiệu tốt, cho thấy sự đề cao tính năng động của thị trường cũng như trình độ khoa học công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt mà chưa dựa trên một hệ tiêu chuẩn rõ ràng dễ phá vỡ tính ổn định lâu dài của thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây