Bất cập về tuân thủ phòng cháy chữa cháy trong xây dựng

Bất cập về tuân thủ phòng cháy chữa cháy trong xây dựng

Lan Anh –  Thứ tư, 17/08/2022 11:11 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, nhiều nhà thầu, nhà đầu tư phản ánh về những khó khăn trong việc thực hiện quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các công trình xây dựng.

tm-img-alt
Cháy nổ trong khu vực dân cư diễn biến phức tạp

Nguyên nhân các vụ cháy không chỉ do chính người dân mà cả từ những bất cập trong công tác quy hoạch; thiếu thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình. Khi thiết kế các công trình cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn lắp đặt các thiết bị báo cháy cũng như PCCC để bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình cháy nổ giảm cả 2 tiêu chí là số vụ và thiệt hại về người, so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các vụ cháy nổ tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm số lượng lớn (395 vụ, chiếm 46,75% tổng số vụ cháy) và cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (156 vụ, chiếm 18,46% tổng số vụ cháy).

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm chết 38 người, bị thương 6 người. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kho tàng có mặt hàng dễ cháy, như Hà Nội 5 vụ, Đồng Nai 4 vụ, TP. Hồ Chí Minh 3 vụ.

Theo Bộ Công an, hiện nay tình trạng vi phạm quy định về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán, quản lý chất cháy và vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy xảy ra nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu hoặc thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; tự ý thay đổi công năng, tính chất sử dụng so với thiết kế được duyệt, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Mặc dù các hành vi vi phạm trên đã được cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp.

Tại Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn này nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN.

Liên quan đến chi phí PCCC, mới đây, một nhà thầu xây dựng có văn bản gửi đề nghị làm rõ quy định vật liệu chống cháy áp dụng vào kết cấu thép nhà xưởng. Nhà thầu cho biết, các DN xây dựng trên cả nước đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện QCVN06-2021/BXD. Lý do là nếu áp dụng thì DN sẽ không đủ tiền để triển khai dự án, ngược lại nếu không áp dụng thì không được cấp phép PCCC để hoạt động.

Theo quy định về thẩm tra thiết kế bản vẽ của PCCC thì cột thép nhà xưởng phải được bọc vật liệu chống cháy đúng quy định (bằng vật liệu rỗng) như thạch cao Perlite dày 16mm; hoặc toàn bộ kết cấu thép phải được sơn chống cháy là loại sơn đặc biệt với giá rất cao. Tuy nhiên, khi bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép thì hai loại này không đồng nhất khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bị bong ra. Ngoài ra, giá vật liệu chống cháy rất đắt đỏ do số lượng nhà cung cấp hạn chế, thậm chí có hiện tượng độc quyền.

Cùng với đó, chi phí kiểm định vật liệu chống cháy cũng rất cao vì thiết bị này không thông dụng ở các trung tâm thí nghiệm vật liệu xây dựng. Theo phản ánh của DN, thủ tục từ mua vật liệu PCCC đến bọc vật liệu vào kết cấu thép rồi đi kiểm định là một quá trình vô cùng tốn kém và mất thời gian.

Ngoài ra, quy định về khoảng cách các hạng mục trong một dự án để đảm bảo PCCC hiện là 12m cũng đang gây nên khó khăn cho DN khi quỹ đất xây dựng có hạn.

Trước hàng loạt khó khăn trên, nhà thầu đề nghị cơ quan chức năng chỉ quy định bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép cho các công trình đặc biệt như: sản xuất quốc phòng (xe tăng, máy bay, tên lửa…) hay sản xuất các loại vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao hơn vật liệu thép. Đồng thời, Cục PCCC thuộc Bộ Công an là đơn vị quản lý quy trình PCCC các dự án cần xem xét, tham mưu cho Bộ Xây dựng để hướng dẫn cụ thể quy cách vật liệu chống cháy nên áp dụng vào công trình nào, dự án nào, kết cấu nào thì phù hợp với thực tế, gỡ khó cho DN.

Không chỉ nhà thầu, nhiều nhà đầu tư cũng lo lắng khi chi phí tuân thủ về PCCC đang rất cao, thậm chí đẩy tổng mức đầu tư dự án lên gần gấp đôi, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá cả vật tư, nhân công… đều tăng mạnh.

Theo TS.Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng , bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng…, DN còn đối mặt với các loại chi phí tuân thủ. Bà Thảo nêu ví dụ, một DN đầu tư một nhà kho với chi phí 2,8 tỷ đồng, nhưng cần chi phí 1 tỷ đồng để bảo đảm yêu cầu PCCC.

Với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng DN phục hồi và phát triển bền vững, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đang được hoàn thiện, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC đối với dự án xây dựng, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho DN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2022./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích