Bất cập về hoạt động đánh giá sự phù hợp trong Luật CLSPHH

Theo Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP) đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các Bộ, ngành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, một số tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu sự quản lý của nhiều Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (ví dụ như tời điện, ra đa, bình chữa cháy, nồi hơi trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển…).

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thử nghiệm, giám định phục vụ quản lý nhà nước do tổ chức thử nghiệm, giám định được chỉ định thực hiện, chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện và việc kiểm định phải do tổ chức kiểm định được chỉ định thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực nên hiện nay một tổ chức đánh giá sự phù hợp bị tiến hành đánh giá năng lực nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.

Ngoài ra, chưa quy định cách thức xử lý, xác định kết quả thử nghiệm trọng tài (thử nghiệm kiểm chứng) đối với trường hợp khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại hoặc khi phát hiện có dấu hiệu sai về kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoặc được chỉ định thực hiện. Điều này, trong thực tế cũng đã xảy ra thời gian vừa qua ví dụ như thử nghiệm phân bón, mũ bảo hiểm, thiết bị điện và điện tử, xăng dầu, quặng….

Theo quy định thì yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm để được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định phải là tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có hoạt động thử nghiệm phải được xã hội hóa. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp (không phân biệt loại hình tổ chức: doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, đầu tư nước ngoài) đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP đều có quyền tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định việc thử nghiệm phục vụ cho hoạt động chứng nhận hợp quy phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã được công nhận hoặc được chỉ định mà bỏ qua việc quy định bắt buộc phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

 Ảnh minh họa.

Hơn nữa, hoạt động công nhận là tự nguyện, không bắt buộc tổ chức đánh giá sự phù hợp phải được công nhận. Ngoài ra, cần chỉnh sửa quy định về hoạt động công nhận cho phù hợp với thực tế như mở tượng của hoạt động công nhận cho các chương trình công nhận cho tổ chức thử nghiệm thành thạo (PTP), tổ chức sản xuất mẫu chuẩn (RMP), tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân, tổ chức có hoạt động xác nhận giá trị sử dụng (validation), tổ chức có hoạt động kiểm tra xác nhận (verification)….

Hoạt động đánh giá sự phù hợp và chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp còn hạn chế, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định còn ít so với nhu cầu thực tế. Việc thử nghiệm mẫu kiểm tra còn khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp ở xa trung tâm do phải gửi xa, gây tốn kém về thời gian và tài chính.

Điểm c khoản 5 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định về đăng ký tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn hiện nay chưa phù hợp cho việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Do đó, việc đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp cần nghiên cứu, xem xét thay đổi cách thức quản lý để phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay và hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP). 

Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp “có tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng”. Tuy nhiên, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chỉ quy định về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp tại Điều 50, chưa quy định rõ về yêu cầu đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức kiểm định). Do đó, chưa có sự thống nhất giữa hai Luật này.

Đối với các cơ sở đào tạo đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam: Mặc dù, việc quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm (ISO/IEC 17065) và chuyên gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP…) của tổ chức chứng nhận đã được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, quy định này chưa được quy định tại Luật, bên cạnh đó, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý và phân công trách nhiệm cho Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo ISO/IEC 17020 cho giám định viên, đào tạo ISO/IEC 17025 cho thử nghiệm viên nên các cơ quan quản lý thường chấp nhận chứng chỉ đào tạo do tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định nộp kèm theo hồ sơ đăng ký.

Điều này dẫn đến rủi ro cho cơ quan quản lý vì không biết thực sự các cơ sở đào tạo này có tổ chức lớp đào tạo hay không; có giáo trình đào tạo, chương trình đào tạo, bài kiểm tra cuối khóa học hay không. Do đó, để hình thành đội ngũ các chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam thì cần xem xét, quy định làm rõ nguyên tắc quản lý ngay từ Luật.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân chủ yếu là do một số Bộ, ngành vẫn còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về đánh giá sự phù hợp, chưa thực sự xã hội hóa theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay về đánh giá sự phù hợp vừa được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vừa được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời hoạt động đánh giá sự phù hợp quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn luật chưa bao quát hết được trường hợp phát sinh trong thực tế hiện nay, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế phát triển và các cam kết quốc tế.

 Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích