Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Internet và các thiết bị kỹ thuật số ngày càng hiện diện nhiều hơn và có tầm quan trọng trong cuộc sống của trẻ em ngày nay. Việt Nam có trên 24,7 triệu trẻ em, phần lớn các em được tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối Internet.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện internet. |
Trao đổi tại tọa đàm “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet” diễn ra trong khuôn khổ sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng tổ chức mới đây, ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết: Điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay smartTV đang được trẻ em Việt Nam sử dụng với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 – 15 là 93%.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật…
Đánh giá về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng hiện nay, ông Trần Đăng Khoa – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, trẻ em sẽ là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng. Tuy nhiên, việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ an toàn trên không gian số đang là một hạn chế, thách thức.
“Đây là những mối nguy cơ, đe doạ lớn cho trẻ em, cho tương lai của đất nước, do đó muốn bảo vệ an toàn cho trẻ trên môi trường mạng, cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường, cộng đồng, toàn xã hội chung sức”, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Dương Hiển, phụ trách dự án Trẻ em, Tổ chức Childfund Việt Nam, độ tuổi sử dụng Internet và mạng xã hội của trẻ em Việt Nam đang càng ngày càng nhỏ hơn. Nhiều cha mẹ đang dùng mạng xã hội, clip YouTube như một phần thưởng dành cho con. Mặt khác, hiện nay các thiết bị để trẻ tiếp cận Internet ngày càng nhiều hơn, không chỉ là điện thoại thông minh, đó cũng là thách thức với các tổ chức làm công tác bảo vệ trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thời gian qua các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai đúng các yêu cầu của Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2021 về phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với đó, duy trì môi trường mạng, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giao lưu, giải trí trên môi trường không gian mạng sáng tạo, lành mạnh; các đơn vị thường xuyên nâng cao các kiến thức, kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em, để trẻ em có “hệ miễn dịch số” tự nhận thức, đề phòng các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên môi trường sử dụng mạng.
Đặc biệt, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trực thuộc Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), nhằm kết nối, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, tư vấn bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Mỗi năm, Tổng đài tiếp nhận hơn 400 – 500 cuộc gọi về vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Có những ca do cha mẹ và trẻ em gọi đến tổng đài tư vấn và một số ca thì trực tiếp nhân viên tổng đài gọi tới để can thiệp.
Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết, việc trẻ em bị lợi dụng, tấn công trên môi trường mạng luôn là điều chúng ta không mong muốn. Tình trạng này là “hồi chuông” cảnh tỉnh chúng ta, mà lỗi một phần thuộc về người lớn khi thiếu sự quan tâm, giám sát thường xuyên.
Để bảo vệ trẻ em trên mạng hiệu quả, yêu cầu đặt ra đối với các tài khoản trẻ em đang sử dụng là phải đặt dưới quyền kiểm soát của người giám hộ. Đặc biệt, những người giám hộ cần có trách nhiệm hơn để nhắc nhở, kiểm soát, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng theo hướng an toàn.
Nguồn: Báo lao động thủ đô