Bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro sử dụng tài chính số
Sức bật của dịch vụ tài chính số
Các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code…) phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa – những đối tượng là mục tiêu của tài chính toàn diện.
Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam” sáng 25/10, Tiến sĩ Phạm Minh Tú – Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến cuối năm 2023, có 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động. Trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ cổng thanh toán điện tử và hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 14 tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 1 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Đồng thời, các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến cuối năm 2023, so với năm 2022, giá trị thanh toán qua Internet tăng gần 6,50%; thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 12,73%; thanh toán qua mã QR tăng 157,2%; và thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 17,72%.
Để mở tài khoản trực tuyến người dùng cần chụp ảnh chân dung bản thân (hình selfie) hoặc selfie video để xác minh danh tính (Ảnh minh họa: BT) |
Trong năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 11.342,8 triệu giao dịch với giá trị đạt 222,3 triệu tỷ đồng (tăng 49,36% về số lượng và 1,28% về giá trị). Tỷ lệ giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp gần 22 lần GDP.
Bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, trên cơ sở các kênh phân phối hiện đại dựa trên công nghệ số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích mới. Rất nhiều sản phẩm, dịch vụ đã được nghiên cứu triển khai như dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng E-KYC, tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, liên kết với thẻ ATM; dịch vụ tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất, cách thức gửi tiền đa dạng, linh hoạt; dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn các dịch vụ cơ bản của gia đình như điện, nước, thẻ điện thoại, truyền hình cáp, các loại dịch vụ khác như bảo hiểm, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội trên cổng dịch vụ công quốc gia;…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh số cho vay bằng phương tiện điện tử trong tháng 7/2024 đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Tại một số ngân hàng, đã ghi nhận tỷ lệ trên 95% giao dịch được thực hiện trên kênh số.
Đặc biệt, hệ sinh thái thanh toán số kết nối, tích hợp đa dạng các loại ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau được hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, khách hàng được phục vụ liên tục không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Đây là một trong những động lực thúc đẩy tài chính toàn diện.
Sự bùng nổ của các giải pháp tài chính công nghệ (Fintech) trong tài chính số đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, làm gia tăng cơ hội mở rộng tiếp cận tài cho người dân, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng
Đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho biết, để triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện, tăng cường tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp; trong thời gian tới, cần thúc đẩy tài chính số để đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm, dịch vụ tài chính số và các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính số.
Từ thời điểm bắt đầu triển khai cuối tháng 3/2021 đến cuối tháng 12/2023, có 40 ngân hàng đã triển khai mở tài khoản thanh toán cho khách hàng bằng E-KYC với gần 35 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Đến tháng 12/2023, có 27 tổ chức đã triển khai phát hành thẻ bằng E-KYC với khoảng 14,9 triệu thẻ đang lưu hành được phát hành bằng E-KYC. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích mới. |
Trong ngắn và trung hạn, cần chú ý các vấn đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ tài chính số: Quy định rõ các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ tài chính số, nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính số cho thị trường như: Vấn đề công bố và minh bạch thông tin, thông lệ kinh doanh; bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của khách hàng; quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp… hướng theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Các lỗ hổng quy định pháp lý của hoạt động fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ và bảo mật thông tin cần nhanh chóng được xử lý. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số;
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin – viễn thông vận hành trơn tru với phạm vi phủ sóng rộng khắp cả nước, qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ điện thoại di động cơ bản, quyền truy cập vào các dịch vụ dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ tài chính số. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành Ngân hàng.
Tạo lập thị trường cung ứng dịch vụ tài chính lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Chú trọng đến cơ chế giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Nghiên cứu hình thành một cơ quan chuyên trách, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và đủ nguồn lực và quyền hạn, đặc biệt là về nhân lực, công nghệ, kiến thức về sản phẩm, dịch vụ tài chính/tài chính số, công nghệ giám sát kỹ thuật số để bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng tài chính. Cân bằng được mục tiêu khuyến khích và hỗ trợ đổi mới công nghệ tài chính với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, trong đó chú trọng tạo dựng một hạ tầng tài chính thiết lập chung các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục giảm thiểu rủi ro cho nhà cung cấp và người dùng. Chia sẻ thông tin tín dụng, qua đó giảm thiểu rủi ro bất đối xứng thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, đặc biệt đối với các Fintech cung cấp dịch vụ tín dụng số.
Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.
Cùng với đó là thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ tài chính số, nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng tài chính và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Đa dạng hóa hình thức và các kênh giáo dục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là các hình thức và phương tiện kỹ thuật số để nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng tài chính, qua đó giúp họ tự tin hòa nhập tài chính, đưa ra được quyết định tài chính đúng đắn, phù hợp với nhu cầu, khả năng và tối đa hóa lợi ích.
Tăng cường tuyên truyền về những rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tài chính số, giúp người tiêu dùng tài chính tự mình hoặc sử dụng hiệu quả các cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bảo Thoa – Lan Hương
Nguồn: Báo lao động thủ đô