Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững
Bảo vệ môi trường để phát triển chăn nuôi bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn 27 trang trại chăn nuôi chưa có giấy phép về môi trường. Phần lớn các trang trại này được hình thành từ quy mô gia trại nên gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Chăn nuôi có vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang tác động không nhỏ đến môi trường sống. Thực tế cho thấy, để chăn nuôi phát triển bền vững thì vấn đề xử lý môi trường cần được thực hiện tốt.
Phát triển cả lượng và chất
Trong những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi của Thái Nguyên từng bước phát triển, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, phát triển chung của tỉnh, cũng như đối với ngành Nông nghiệp. Nếu như năm 2020, tổng đàn trâu, bò của toàn tỉnh là gần 94 nghìn con; trên 616 nghìn con lợn và gần 13 triệu con gia cầm thì đến năm 2023, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh là 95 nghìn con; đàn lợn 600 nghìn con và 16,1 triệu con gia cầm.
Toàn tỉnh hiện có 76 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 1.197 trang trại chăn nuôi, tập trung nhiều ở các địa phương: Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ, Định Hóa.
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 150 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 27 cơ sở có chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hiệu lực (19 cơ sở chăn nuôi lợn, 8 cơ sở chăn nuôi gà); trên 20 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 221,8 nghìn tấn, trong đó thịt lợn 106 nghìn tấn; thịt gia cầm 106,2 nghìn tấn và các loại thịt khác; sản lượng trứng gia cầm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường tỉnh ngoài.
Mặc dù trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có xảy ra một số ổ bệnh (lở mồm long móng trên gia súc; viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn), nhưng sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và các địa phương đã khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Qua đó, giá trị trong sản xuất chăn nuôi đạt trên 7.161 tỷ đồng, chiếm trên 45% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đàn trâu, bò đạt 95 nghìn con; đàn lợn đạt 610 nghìn con và đàn gia cầm đạt 16 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 222.850 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 465 triệu quả.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có xu hướng tăng do các trang trại, gia trại mở rộng quy mô sản xuất. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, thịt và trứng gà mang lại hiệu quả cũng thúc đẩy người dân đầu tư vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi đã cơ bản được kiểm soát, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đàn vật nuôi hằng năm của tỉnh luôn duy trì ổn định.
Gắn sản xuất với đảm bảo môi trường
Đi đôi với phát triển kinh tế, đại đa số trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Từ hơn 17 năm qua, gia đình anh Hà Văn Nam, ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương), gắn bó với nghề chăn nuôi lợn thịt. Trang trại của gia đình anh có diện tích gần 300m2, mỗi năm nuôi 3 lứa lợn với số lượng từ 50-100 con/lứa. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại.
Anh Nam chia sẻ: Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật, sau đó kết hợp với vỏ trấu để tạo nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi, khí độc… Điều này giúp phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Chất thải sau khi được thu gom được xử lý để làm phân hữu cơ bón cho cây chè, lúa, ngô, cỏ voi.
Là một trong những trang trại chăn nuôi lợn gia công lớn trên địa bàn TP. Phổ Yên, với số lượng mỗi năm vào khoảng 4.000 con lợn thịt, gia đình ông Trần Đăng Phẩm, ở xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, đặc biệt quan tâm xử lý mùi và chất thải. Ông đã đầu tư xây dựng 6 bể biogas, bể lắng, ao sinh học, mua máy ép phân, xây tường bao khu chăn nuôi và trồng cây xanh quanh khu vực xử lý chất thải.
Nước thải lẫn phân sau khi đi qua hàng loạt các bể lắng sẽ chảy ra hệ thống ao sinh học trước khi thải ra môi trường. Còn lượng phân được hút lên và xử lý qua máy ép để trở thành phân hữu cơ bán cho các hộ trồng trọt trong và ngoài xã.
Dẫn chúng tôi thăm khu vực xử lý chất thải, ông Phẩm nói: Nếu không xử lý tốt vấn đề môi trường thì chắc chắn trạng trại sẽ phải đóng cửa bởi nằm không xa với các hộ dân, trường hợp ô nhiễm thì bà con sẽ ý kiến ngay.
Việc xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng đàn vật nuôi cũng như sức khỏe của con người, tránh được những hệ lụy tiêu cực trong đời sống. Vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại, gia trại áp dụng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: xây dựng hệ thống chuồng trại theo quy chuẩn kỹ thuật; làm bể, hồ chứa chất thải; áp dụng công nghệ sinh học, men vi sinh; xử lý bằng ủ phân hữu cơ, đệm lót sinh học…
Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 11 trang trại lợn và hàng chục gia trại nhỏ với gần 315 nghìn con gia súc, gia cầm. Xác định bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng, xã đã chỉ đạo các đoàn thể và các xóm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi. Chúng tôi cũng vận động người dân dần dịch chuyển chuồng trại ra xa khu vực dân cư.
Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh, cho biết: Hội hiện có 288 hội viên, đa phần là chủ trang trại, gia trại và hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Hội đều phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi và chế biến phân hữu cơ cho các chủ trang trại. Qua đó, nhiều trang trại đã áp dụng thành công công nghệ vi sinh vật hữu hiệu – EM trong chăn nuôi, khử được mùi hôi trong nước và phân của gia súc, gia cầm.
Còn đó nguy cơ ô nhiễm
Bên cạnh các chủ trang trại thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường thì còn không ít trường hợp gây ô nhiễm và bị cơ quan chức năng xử lý, với mức tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như trường hợp bà P.T.M. ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) bị cơ quan chức năng của tỉnh xử phạt hơn 800 triệu đồng và tạm đình chỉ chăn nuôi 7 tháng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất, vào tháng 9-2023, cơ quan chức năng cũng xử phạt hành chính trang trại của ông Đ.Đ.K, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê (Đại Từ), với số tiền 340 triệu đồng vì hành vi xả chất thải chăn nuôi vượt quy chuẩn…
Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý, nhưng một số trang trại vẫn tái phạm khiến người dân sinh sống trong khu vực rất bức xúc. Đơn cử như trang trại của ông Dương Công Tuấn, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê (Đại Từ), bị xử phạt 55 triệu đồng do gây ô nhiễm, nhưng sau đó, người dân trong xóm vẫn phản ánh tình trạng tái xả thải không đảm bảo.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trong đó chủ yếu do một số trang trại chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống nước thải; nhiều trang trại, gia trại thiếu thiếu quỹ đất để xây dựng khu xử lý; hệ thống xử lý chất thải đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí lớn. Việc các trang trại thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt nên việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng vì thế nhiều khi gặp khó khăn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 27 trang trại chăn nuôi chưa có giấy phép về môi trường. Phần lớn các trang trại này được hình thành từ quy mô gia trại nên gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị