Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng cảnh quan, môi trường xanh-sạch- đẹp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả SX
Tuân thủ pháp luật về môi trường
Công ty TNHH Hana Micron Vina đầu tư lĩnh vực bán dẫn tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (thị xã Việt Yên) từ năm 2019 với tổng vốn đăng ký hơn 640 triệu USD; diện tích đất sử dụng gần 66 nghìn m2. Hiện DN giải quyết việc làm cho hơn 1.600 công nhân, mỗi tháng sản xuất khoảng 100 triệu con chíp điện tử; tổng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh năm 2023 đạt hàng nghìn tỷ đồng. Là DN sản xuất chất bán dẫn có quy mô đầu tư lớn, bên cạnh mục đích lợi nhuận, DN xác định BVMT gắn với lợi ích của đơn vị nên rất coi trọng công tác này và có sự đầu tư tương xứng. Khuôn viên của DN thường xuyên được quét dọn sạch sẽ; cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, bắt mắt; khu vực sản xuất được cách ly, bảo đảm vô trùng.
Thông tin từ Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), từ khi đầu tư tại địa bàn tỉnh, Công ty luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT. Trước khi đi vào sản xuất, DN đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị xử lý chất thải như: Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp 1.500 m³/ngày đêm, xử lý nước thải sinh hoạt 300 m3/ngày đêm. Quá trình sản xuất, DN chấp hành nghiêm việc thu gom, phân loại, lưu trữ và xử lý chất thải.
Trước khi đi vào sản xuất, Công ty TNHH Hana Micron đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị xử lý chất thải như: Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp 1.500 m³/ngày đêm, xử lý nước thải sinh hoạt 300 m3/ngày đêm. Quá trình sản xuất, DN chấp hành nghiêm việc thu gom, phân loại, lưu trữ và xử lý chất thải. Chất thải độc hại, nguy hiểm được lưu trữ trong nhà kín, tách biệt.
Chất thải độc hại, nguy hiểm được lưu trữ trong nhà kín, tách biệt. DN ký hợp đồng với Công ty TNHH môi trường Ngôi sao xanh ở Bắc Ninh thu gom, xử lý rác thông thường từ 2-3 ngày 1 lần. Đối với rác sản xuất có thể tái chế, DN mời cơ quan hải quan đến thực hiện quy trình sơ hủy, sau đó xử lý theo quy định. Chất lượng nước thải sau khi qua hệ thống xử lý của DN, quan trắc định kỳ hằng năm đều đạt chuẩn.
Nói về công tác BVMT, ông Hwang Chul Min, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Hana Micron Vina cho biết: “Dù mục đích cuối cùng là lợi nhuận nhưng DN luôn quan tâm đến việc BVMT để có thể phát triển bền vững. Chúng tôi cho rằng nếu chỉ vì lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến môi trường sẽ tự đào thải mình ra khỏi thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ cần những sản phẩm tốt, giá thành rẻ mà còn yêu cầu phải thân thiện với môi trường. Theo đó, BVMT nơi sản xuất, kinh doanh và cộng đồng khu vực là phương châm phát triển của Công ty. Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng của Việt Nam”.
Xây dựng môi trường xanh để thu hút đầu tư
Tân Hưng là xã nằm ở phía Đông huyện Lạng Giang, trên địa bàn có KCN đang được đầu tư xây dựng nên mỗi ngày lượng rác thải phát sinh khá lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng về lâu dài của môi trường đối với phát triển KT-XH, thời gian qua, xã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác này. Từ năm 2015, xã đã quy hoạch khu vực xử lý rác tập trung và thành lập tổ vệ sinh môi trường để làm nhiệm vụ thu gom rác từ các thôn đưa về bãi xử lý, cùng đó triển khai việc thu phí vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã đều có nghị quyết lãnh đạo thực hiện công tác môi trường; giao trách nhiệm cho các đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tham gia BVMT bằng những việc làm thiết thực, bắt đầu từ việc thu gom, phân loại xử lý rác thải đúng quy định. Xã còn đầu tư cho mỗi chi hội phụ nữ một ngôi nhà xanh đặt tại nhà văn hóa, khuyến khích hội viên phụ nữ và người dân gom rác phế liệu tái chế, bán gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn.
Năm 2019, UBND xã giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp đảm trách việc thu gom, xử xý rác thải. HTX đã thành lập 3 tổ vệ sinh môi trường gồm 11 người. Theo đó, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần (bắt đầu từ 3 giờ sáng mỗi ngày), rác được các tổ vệ sinh thu gom, tập kết về lò đốt. Rác phát sinh trong sản xuất nông nghiệp cũng được bố trí nơi thu gom cụ thể.
Theo ông Vũ Văn Lực, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, hiện mỗi ngày toàn xã phát sinh khoảng 25 m3 rác. Từ năm 2022, xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 lò đốt rác theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, công suất xử lý 1.000 kg/giờ nên toàn bộ lượng rác được thu gom đưa về lò đều xử lý hết trong ngày. Việc triển khai thu phí môi trường theo quy định của tỉnh diễn ra thuận lợi, được người dân ủng hộ. Toàn xã có 15 thôn, gần 3.000 hộ thì đến nay khoảng 99% số hộ đã nộp phí vệ sinh môi trường. Năm 2023, xã thu hơn 400 triệu đồng phí này. Cảnh quan môi trường nông thôn Tân Hưng vì thế ngày càng phong quang, sạch đẹp.
Mục tiêu xã đề ra là làm tốt công tác BVMT, xây dựng môi trường xanh, nâng cao chất lượng sống của người dân và tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu xử lý, tập kết rác thải, nhất là khi KCN Tân Hưng có nhiều DN vào hoạt động, vừa qua, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập quy hoạch, mở rộng bãi xử lý rác thải lên hơn 6 ha. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi. Đơn vị đang cho máy móc san lấp, mở rộng bãi rác, xây dựng hoàn thiện hạ tầng khu xử lý, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thời gian tới.
Đánh giá cao công tác BVMT tại xã Tân Hưng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạng Giang nói: “Đạt kết quả trên là do xã thường xuyên xác định mục tiêu, nhiệm vụ BVMT, đưa vào chương trình hành động hằng năm để chỉ đạo thực hiện; quan tâm, làm tốt việc tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa ra cộng đồng, huy động được đông đảo người dân tham gia”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị