Bảo vệ doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, cần bảo vệ doanh nghiệp như bảo vệ “đồng đội”. Phải chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thời COVID-19.
Công nhân làm việc trong doanh nghiệp “3 tại chỗ” ở Bình Dương. Ảnh: Hương Chi |
Không “đẻ” thêm quy định gây cản trở
Dù phản ánh nhiều nhưng tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra. Ông thấy sao khi vừa qua Bộ GTVT ra văn bản nêu đích danh các tỉnh, thành và đề nghị thống nhất trong triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa?
Ông Vũ Tiến Lộc |
Việc Bộ GTVT có văn bản đề nghị các tỉnh, thành bãi bỏ quy định gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa hoàn toàn hợp lý. Điều này cũng có thể phải rút kinh nghiệm cho tất cả các quy định tương tự khác. Về nguyên tắc, cái gì hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp, phải quy định trong luật. Vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết, cho phép Chính phủ được thực hiện một số quy định khác luật để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Để tạo thống nhất trong tổ chức thực hiện, Chính phủ nên đưa ra một quy định khung, chẳng hạn Chỉ thị 16, hay 16+ là cộng những gì. Các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện chứ không “đẻ” thêm quy định khác. Các tỉnh, thành chỉ được quy định khác khi Chính phủ cho phép. Nếu cứ tự đặt ra quy định “ngăn sông cấm chợ” là vi phạm pháp luật.
Đối với các tuyến quốc lộ việc quản lý thuộc về Trung ương, địa phương không thể cứ thích ngăn thì ngăn, cấm thì cấm? Cần Thơ quy định gây khó cho các doanh nghiệp có xin phép không? Đưa ra quy định như vậy mà không xin phép Chính phủ thì không được, mà nếu có xin phép, tôi tin Chính phủ cũng không đồng ý.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa qua đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về lưu thông hàng hóa, trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Lâu nay chúng ta nói đến chuỗi cung ứng với hàng hóa thiết yếu nhưng tất cả quy trình sản xuất là chuỗi cung ứng. Có thể sản phẩm cuối cùng mới là thiết yếu, còn nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm đó lại không được quy định trong danh mục thiết yếu. Nhưng nếu không có nguyên vật liệu đó sẽ không thể làm ra sản phẩm thiết yếu. Ví dụ, bao bì không phải mặt hàng thiết yếu, nhưng nó phục vụ cho đóng gói mỳ tôm lại là hàng thiết yếu.
Để không xảy ra lây nhiễm dịch bệnh, nên quản lý chặt lái xe, chẳng hạn yêu cầu họ không được bước ra ngoài xe, còn hàng hóa cứ để đó. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bảo vệ sản xuất quan trọng không kém bảo vệ sinh mệnh của người dân. Bởi đó là sinh kế, là cuộc sống của người dân.
Vì vậy, ưu tiên chống dịch nhưng trong điều kiện cho phép, cần mở cửa cho sản xuất kinh doanh để duy trì sinh kế của người dân. Trên cơ sở đó tạo ra sản phẩm xã hội, tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Thủ tướng làm “tư lệnh” sẽ hiệu quả hơn
Sau khi Thủ tướng Chính phủ được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, theo ông, điều này có tạo ra chuyển biến đáng kể trong thời gian tới?
Việc phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch thay Phó Thủ tướng là phù hợp. “Tư lệnh” cả một chiến dịch lớn phải có đầy đủ thẩm quyền quyết định, điều hành. Vì công tác chỉ đạo chống dịch bao trùm, không chỉ một việc mà liên quan đến tất cả, bao gồm những vấn đề về dịch bệnh, y tế, kinh tế, ngân sách, lực lượng quân đội, công an đều được huy động tham gia.
Ông thấy sao khi vừa qua có Bí thư Tỉnh ủy tuyên bố, nếu để dân đói sẽ xin từ chức?
Điều này rất đúng và cũng thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên không chỉ để dân đói, cả trong trường hợp để dân mất sinh kế trong khi vẫn có thể duy trì được, cũng phải xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều địa phương vì ưu tiên chống dịch mà bỏ mặc sản xuất kinh doanh cũng không được, không đảm bảo sự ổn định lâu dài.
Chống COVID-19 là cuộc chiến toàn diện, trong đó có cả vấn đề kinh tế. Người dân cũng phải có cái ăn, cái mặc mới chống dịch được. Chúng ta chưa thể biết đến bao giờ dịch dừng lại, thậm chí khi dừng lại vẫn có thể bùng phát. Cho nên, sống chung với COVID-19 vẫn phải coi là một phương châm.
Trong bối cảnh khó khăn, phải cố gắng tối đa duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Điều quan trọng là, gắn liền với yêu cầu phòng chống dịch, phải chắt chiu từng cơ hội sản xuất, kinh doanh thời COVID-19.
Cảm ơn ông.
85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 là 85,5 nghìn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng TPHCM có 24 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp đóng cửa trên cả nước. Nhóm ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm, 700 doanh nghiệp lĩnh vực lưu trú và ăn uống hoàn thất thủ tục giải thể. Các tỉnh trọng điểm du lịch như Khánh Hòa, Quảng Nam sụt giảm trên 80% doanh thu du lịch, lữ hành. Nhiều khách sạn được dùng làm khu cách ly y tế tập trung, số còn lại đóng cửa. Việt Linh |
Nguồn: Báo xây dựng