Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thể
Giới nghiên cứu đánh giá văn hóa Óc Eo có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các quốc gia cổ đại vào những thế kỷ đầu Công nguyên trên vùng đất Nam Bộ.
Đồ án quy hoạch chung khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN) |
Sáng 7/9, ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo (tỉnh An Giang) cho biết thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Quản lý đã công bố, giới thiệu toàn bộ nội dung Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê theo tinh thần Quyết định số 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung bản quy hoạch được giới thiệu tại trụ sở của Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo và trên các phương tiện truyền thông để tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nắm và hiểu rõ.
Theo Quyết định số 115/QĐ-TTg, ngày 23/1/2021, phạm vi quy hoạch chung khu bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê bao gồm toàn bộ diện tích 433,2ha, được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).
Khu vực sườn và chân núi Ba Thê (Khu A) có diện tích 143,9 ha; bao gồm: khu vực bảo vệ I (IA) 50,4ha và khu vực bảo vệ II (IA) 93,5ha.
Ranh giới được xác định như sau: Phía Đông và Đông Nam giáp đường kênh vành đai núi Ba Thê; phía Tây và Tây Nam giáp khu dân cư và núi Ba Thê; phía Bắc giáp khu dân cư.
Khu vực cánh đồng Óc Eo (Khu B) có diện tích 289,3ha; bao gồm: khu vực bảo vệ I (IB) 151,2ha và Khu vực bảo vệ II (IIB) 138,1ha. Ranh giới được xác định như sau: Phía Đông Nam giáp đất lúa; phía Tây Nam giáp đường kênh ranh giới giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang; phía Tây Bắc giáp đất lúa, đất ruộng; phía Đông Bắc giáp đường kênh Thổ Mô.
Mục tiêu của Quy hoạch là bảo vệ các điểm di tích, di vật đã được phát lộ của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê; nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ và bổ sung, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích, nhất là trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo.
Đồng thời, quy hoạch cũng nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thể trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học để nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang.
Đồng thời, việc này còn kết nối di tích với các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử-văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.
Việc quy hoạch nhằm xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư và khu vực cảnh quan xung quanh; tổ chức không gian và cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên vấn đề thoát nước và chống ngập di tích vào mùa mưa, đặc biệt đối với khu vực cánh đồng Óc Eo; định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Óc Eo-Ba Thê phù hợp với Quy hoạch được phê duyệt và các đồ án quy hoạch khác có liên quan.
Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang nhấn mạnh Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thể, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung.
Đây là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế so với quy hoạch trước đây; là công cụ hiệu quả để quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn thị trấn Óc Eo và huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Dự kiến, tháng 11/2021, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê.
Óc Eo là tên gọi của một nền văn hóa khảo cổ quan trọng vào loại bậc nhất ở đồng bằng Nam Bộ, được định danh vào giữa thập niên 1940 bởi học giả người Pháp Louis Malleret, theo tên gọi địa điểm Gò Óc Eo, ngày nay thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Hố khai quật tại sân Chùa Linh Sơn Cổ Tự-Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN) |
Kể từ sau năm 1975, hàng loạt các chương trình nghiên cứu được giới khảo cổ học Việt Nam triển khai liên quan đến văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đem lại những nhận thức mới, ngày càng đầy đủ hơn về đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cổ từng khai phá vùng đất này trong quá khứ.
Giới nghiên cứu đánh giá văn hóa Óc Eo có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các quốc gia cổ đại vào những thế kỷ đầu Công nguyên trên vùng đất Nam Bộ.
Khu Di tích Óc Eo-Ba Thê đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào tháng 9/2012./.
Nguồn: Báo xây dựng