Bảo tồn giá trị di sản kiến trúc đô thị

(Xây dựng) – Di sản kiến trúc là một nguồn tư liệu quý giá giàu tính thuyết phục, là điểm tựa cho việc tạo dựng nhân cách, giáo dục truyền thống và là niềm tự hào về tài sản quý giá, sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia dân tộc.

bao ton gia tri di san kien truc do thi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tuy nhiên, nhiều di tích lịch sử văn hóa, di sản khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, vốn có mật độ dày đặc ở các đô thị, trong nhiều năm bị thiên nhiên và con người tàn phá, thiếu kinh phí để tu sửa, tôn tạo, bị chiếm dụng trái phép.

Tâm điểm gây chú ý và vấp phải nhiều ý kiến phản đối của giới kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, bảo tồn di sản và người dân… suốt hơn 7 năm qua là Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Đà Lạt, thành phố cao nguyên xinh đẹp có nhiều mảng cây xanh và 1.500 biệt thự Pháp. Nhưng hiện nay, nhiều mảng cây xanh, cánh rừng bị chặt phá do nhu cầu đô thị hóa, nhiều biệt thự hư hại hoặc bị chiếm dụng trái phép. Thác Cam Ly bị san lấp một vùng… Một trong những nguyên nhân khiến Đà Lạt bị đe dọa là bởi sự xâm hại của chính con người, của việc tiếp cận cách quản lý đô thị chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế trước mắt, thiếu tôn trọng khoa học đô thị. Mới nhất là những lo ngại về Quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt.

Thực tế đó cho thấy, những lo ngại về sự biến mất của các di sản kiến trúc cũng như những giá trị cảnh quan cốt lõi tạo nên một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, là có cơ sở.

Lần ngược lại những gì đang diễn ra ở nhiều đô thị của Việt Nam, không khó nhận ra hàng loạt nguy cơ thường trực đối với các di sản kiến trúc đô thị.

Hà Nội hiện có hơn 300 di tích lịch sử và khoảng 1.200 biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, cùng nhiều hồ, sông ngòi cần được bảo vệ. Nhưng quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa đã xóa sổ hàng loạt ao hồ, một số công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng và biệt thự bị lấn chiếm.

Cố Đô Huế có 845 công trình di tích lịch sử – văn hóa, nhưng có đến 450 công trình không còn nguyên vẹn, đình Huế và kiến trúc nhà vườn đặc trưng bị xuống cấp và có nguy cơ bị mai một, nhiều lăng tẩm di tích bị xâm hại.

Đô thị cổ Hội An qua biến động thời gian, thiên nhiên và con người, cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu và sửa chữa kịp thời, đáp ứng yêu cầu bảo vệ di sản văn hóa thế giới, phục vụ khách du lịch.

TP.HCM có 43 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng trên tổng số 285 ngôi đình, 1.041 ngôi chùa. Sự xâm lấn các di tích này vẫn có nguy cơ bùng nổ. Tình trạng mất vệ sinh, lấn chiếm di tích, thiếu kinh phí để tôn tạo và khai thác khu du lịch vẫn là mối lo ngại của chính quyền các cấp.

Trong quá trình đô thị hóa, do yếu tố tự phát mạnh, tính tổ chức và tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động của đô thị yếu nên hệ thống di sản đô thị bị đe doạ nghiêm trọng.

Việt Nam đã ban hành Luật Di sản văn hóa (2001), nhưng việc thực hiện còn yếu và tuỳ thuộc từng địa phương. Đầu tư của Nhà nước cho hoạt động này còn nhiều hạn chế, dàn trải, hiệu quả thấp.

Việc huy động các nguồn lực trong nhân dân giữ gìn và bảo vệ di sản mới chỉ thực hiện bước đầu và chỉ đạt được ở khu vực di sản văn hóa gắn với tín ngưỡng tôn giáo. Một số cơ quan được giao quản lý di tích đã cùng Nhân dân địa phương tìm cách khai thác du lịch kiếm lợi nhuận là chính chứ không lo tìm cách tôn tạo, sửa chữa những di tích này. Một số nơi sửa sang, tôn tạo lại không theo nguyên gốc, làm ảnh hưởng đến giá trị di tích.

Rõ ràng, dù đã có thật nhiều cố gắng, nhưng con người đang tự hủy hoại các giá trị di sản quanh mình dưới đủ hình thức, thậm chí phá hoại một cách vô thức.

Chính những điều đó đang tạo sức ép ngày càng lớn trong việc quản lý và bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị. Dường như, các di sản kiến trúc của Việt Nam đang phải chống chọi, chơi vơi, nhường bước giữa ào ạt xây dựng của quá trình đô thị hóa. Như cách làm hiện nay trong quy hoạch của Đà Lạt là tư nhân hóa đất và tài sản công cộng một cách nông cạn, đánh đổi giá trị chung, lâu dài của cộng đồng cho lợi ích trước mắt của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích