Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã dẫn đến nguy cơ nhiều di sản đô thị dần bị mai một, thậm chí chấm dứt sự tồn tại. Mất đi di sản đồng nghĩa với việc sẽ mất đi những dấu ấn thời gian, lịch sử, các lớp văn hóa.
Bên cạnh đó, các di sản đô thị thường nằm tại những vị trí “đất vàng”, ở các khu vực trung tâm trong thành phố. Chính vì vậy, di sản trở thành “miếng bánh ngon” luôn được dòm ngó.
Không quá khó để nhận ra sự biến mất nhanh chóng của những nhà biệt thự cũ trên khu phố Pháp hay trên các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm, thay vào đó là các tòa nhà văn phòng, cao ốc hiện đại hoặc bãi đất trống “nằm chờ” dự án.
Các đô thị lớn đang phải giải bài toán vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm giữ gìn những khối di sản kiến trúc cho thế hệ mai sau.
Đặt vấn đề về bảo tồn di sản gắn liền với khai thác giá trị kinh tế, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS. Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) để cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này.
PV: Hiện nay, chúng ta đang sống trong bối cảnh mà những thuật ngữ như “đô thị thông minh” hay “thành phố hiện đại” đang được nhắc đến ngày càng nhiều. Nhưng liệu rằng, sự phát triển theo xu hướng này sẽ khiến các di sản đô thị dần bị “thôn tính” bởi những tòa nhà chọc trời?
TS. KTS. Trương Ngọc Lân: Tôi cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu một cách đúng đắn về đô thị thông minh. Hầu hết khi nhắc đến đô thị thông minh, người ta thường nghĩ nó mang tính chất mới mẻ, hiện đại, gắn với công nghệ cao. Thực tế, chưa chắc đã là như vậy, mà đô thị thông minh có thể hiểu là khả năng ứng phó linh hoạt với các nhu cầu của con người và đáp ứng một cách tốt nhất.
Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa trên, việc phát triển thành phố thông minh, phát triển kinh tế, xã hội không đồng nghĩa với việc các di sản đô thị sẽ bị mất đi.
Mặt khác, các di sản đô thị cần được bảo tồn nhưng vẫn phải thích ứng với thời đại, việc bảo tồn không phải giữ một cách cứng nhắc, đem đóng hộp bỏ tủ kính rồi tham quan như một hiện vật. Mà di sản vẫn phải được duy trì hoạt động, phục vụ đời sống bình thường, là di sản sống. Đơn cử như việc bảo tồn các nhà máy cũ, chúng ta có thể sử dụng làm không gian sáng tạo, đó cũng là một cách để di sản có thể thích ứng với đô thị thông minh.
Do đó, tôi cho rằng, đô thị thông minh là cách xử lý, vận hành thông minh để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chứ không phải thông minh là mình phải thay hết sang những công trình công nghệ cao, mới mẻ, hiện đại. Quan trọng là cách mình sử dụng cải tạo, nâng cấp các công trình cũ ra sao cho phù hợp với bối cảnh mới để có khả năng ứng biến với những nhu cầu mới của thời đại.
PV: Vậy để xác định giá trị của một công trình kiến trúc đô thị cần dựa vào những yếu tố nào, thưa ông?
TS. KTS. Trương Ngọc Lân: Có rất nhiều cách để xác định giá trị của công trình kiến trúc đô thị. Theo đó, để công trình kiến trúc đô thị vượt qua khỏi ranh giới của những kiến trúc thông thường, nó cần phải là tác phẩm nghệ thuật đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển lịch sử kiến trúc của một trào lưu, phong cách nào đó. Tức là nó phải có tính đại diện tiêu biểu cho một lịch sử, một doanh nhân hay một trường phái nghệ thuật… Trong ngành bảo tồn có hệ thống đánh giá xác định giá trị của một di sản dựa trên 10 tiêu chí sau:
1. Giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Giá trị tuổi (tuổi đời) của công trình.
3. Giá trị nghệ thuật của công trình (công trình đơn lẻ).
4. Giá trị nghệ thuật, quần thể của công trình.
5. Giá trị về tổ chức không gian.
6. Giá trị về công nghệ xây dựng.
7. Giá trị về tính phát minh và tính sáng tạo.
8. Giá trị về sự điển hình.
9. Giá trị trong cơ cấu chung của xã hội.
10. Giá trị về điều kiện xây dựng.
Đó là những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá liệu một công trình có xứng đáng là di sản kiến trúc hay không. Trong đó, việc phản ánh đúng bối cảnh lịch sử, thời đại tác phẩm ra đời là yếu tố cần nhấn mạnh khi xác định giá trị của công trình kiến trúc. Thực tế là, công trình kiến trúc đô thị nếu có một tiêu chí nổi bật cũng có thể được coi là di sản.
PV: Thực tế, nếu công trình kiến trúc đã được xếp hạng di sản thì sẽ có cơ chế bảo tồn, còn đối với những công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng di sản thì cần ứng xử như thế nào?
TS. KTS. Trương Ngọc Lân: Có những công trình có giá trị nhưng chưa được xếp vào danh sách di sản bảo vệ bởi nhiều lý do. Có thể là vì vấn đề pháp lý sở hữu tư nhân, người ta không đồng ý, không làm hồ sơ chẳng hạn; có công trình do bị lãng quên, có công trình do chưa được đánh giá đúng, hoặc giá trị của công trình ấy chỉ đạt được một phần nào đó nhưng chưa đến mức người ta công nhận là di sản mặc dù nó có giá trị thật.
Về giải pháp để ứng xử với những công trình này, Luật Kiến trúc đã đưa ra quy định các công trình chưa được xếp vào di sản nhưng có giá trị về mặt nào đó sẽ được bảo vệ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên nó chưa được rõ nét.
Tại Hà Nội, các công trình chưa được công nhận di sản trước năm 1954, thời Pháp thuộc đều là những công trình có giá trị và họ đưa ra quy định phải giữ nguyên. Ví dụ như công trình của Bộ Giao thông Vận tại ở phố Trần Hưng Đạo, có tòa nhà của công ty Hỏa Sa Vân Nam, xây từ thời xưa và chưa được xếp vào di sản. Nhưng trong các dự án cải tạo, họ luôn yêu cầu tòa nhà phải giữ nguyên, vì nó có giá trị.
Bên cạnh đó, Hà Nội có một hệ thống xếp hạng các nhà biệt thự cũ trước năm 1954, được xếp làm 3 bậc (loại 1, loại 2, loại 3). Loại 1 là bắt buộc phải giữ, loại 2 khi sửa chữa phải xin phép, được xét duyệt phương án sửa chữa, loại thứ 3 không cần làm gì hết, không có giá trị bảo tồn.
Hiện có rất nhiều công trình kiến trúc hiện đại từ năm 1954 – 1975 ở miền Nam, năm 1954 – 1986 ở miền Bắc là dấu ấn điển hình cho một giai đoạn lịch sử như các nhà máy, công trình Cung thiếu nhi Hà Nội, khách sạn Thắng Lợi… Tuy nhiên hiện nay, vấn đề nhận thức về mức độ giá trị còn có sự khác nhau trong xã hội. Nhưng qua việc xếp hạng các biệt thự, những công trình trước năm 1954, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, chúng ta đã có gợi ý về chuyện có thể bảo vệ theo hướng xếp chúng vào những công trình có giá trị.
PV: Bảo tồn và phát triển vẫn luôn là bài toán khó, làm thế nào để chúng ta dung hòa hai yếu tố giữa di sản và hiện đại để hướng tới phát triển?
TS. KTS. Trương Ngọc Lân: Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát trển luôn luôn tồn tại do người ta thường phủ nhận cái cũ để tìm kiếm những lợi ích trước mắt. Điều này đòi hỏi cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về các công trình có giá trị di sản, thái độ của xã hội về nhu cầu trong việc bảo vệ di sản. Đối với những công trình ở miền Nam từ 1954 – 1975, miền Bắc từ 1954 – 1986, người ta cho nó là mới quá, chưa đủ độ tuổi để xếp vào di sản và về mặt nghệ thuật thì người ta cho rằng nó chưa bằng thời Pháp thuộc. Thực tế không phải như vậy, mà các công trình này vẫn có những giá trị lịch sử nhất định, thể hiện những trăn trở, nghiên cứu của giới kiến trúc trong việc tạo dấu ấn riêng biệt của kiến trúc Việt Nam hiện đại và giữ trong mình những giá trị cốt lõi.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức về các công trình có giá trị di sản thì cần có sự phối hợp giữa các bên, giữa các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, các tổ chức xã hội với những nhà đầu tư thì mới có thể bảo vệ được.
Không phải chúng ta cứ để nguyên các công trình rồi “đóng kín” vào mà ở trong thời kỳ phát triển mới, nó vẫn phải đóng góp vai trò gì đó. Ví dụ như ở Hội An, các công trình di sản rất nhiều, có những ngôi nhà thuộc về gia đình, họ vẫn phải sinh hoạt ở đó, kinh doanh, buôn bán để duy trì cuộc sống nhưng vẫn phải giữ được nét nguyên gốc của di sản đó.
Hội An là minh chứng cho thấy cách ứng xử rất phù hợp với những giá trị di sản trong quá trình phát triển. Sự phát triển của Hội An không tách rời khỏi sự bảo tồn của di sản.
Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận giá trị và hướng phát huy của di sản, để từ đó có những cách làm hợp lý, dung hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Từ bài học của Hội An, Đường Lâm, các nhà vườn ở Huế… các nhà chuyên môn, nhà quản lý phải có những phương án để chủ sở hữu công trình giá trị có thể thu được lợi ích từ việc bảo tồn các giá trị di sản.
Thứ hai, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cũng nên đề ra được những giải pháp mang tính quy hoạch để giúp người chủ sở hữu, người sử dụng những di sản đó có thể sử dụng được với chất lượng tốt hơn và có lợi hơn. Đơn cử như phải đưa được những bản vẽ về mặt trùng tu cải tạo, mở rộng di sản ấy để công trình có thêm công năng mới đáp ứng nhu cầu của chủ sở hữu mà vẫn giữ được cái cũ cần bảo tồn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!