Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ứng dụng công nghệ để phục vụ công chúng

Sáng nay (15/9), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã tổ chức họp báo trực tuyến giới thiệu ứng dụng công nghệ trong hoạt động giới thiệu trưng bày tại Bảo tàng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng chủ trì cuộc họp báo trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giới thiệu trưng bày, giáo dục…

Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó (năm 2016) là một số phần nội dung trưng bày thường trực được giới thiệu trên website Bảo tàng.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ứng dụng công nghệ để phục vụ công chúng
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến giới thiệu ứng dụng công nghệ trong hoạt động giới thiệu trưng bày tại Bảo tàng.

Trên cơ sở những kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu, đồng thời để đa dạng hóa hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của các đối tượng công chúng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, Bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và bước đầu hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng.

Trong đó, phải kể đến như Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”. Từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Công ty Vietsotfpro nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và cập nhật, bổ sung nội dung thông tin, hoàn thiện chuyên đề giới thiệu bảo tàng ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú). Đặc biệt với việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.

“Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì du khách không thể tìm hiểu được hết những giá trị của Bảo vật quốc gia này nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D thì có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin cụ thể về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn…”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Khách tham quan trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” truy cập vào đường link: https://baovatquocgia.baotangso.com

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ứng dụng công nghệ để phục vụ công chúng
Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam chia sẻ về ứng dụng công nghệ số trong Bảo tàng.

Tiếp đến là tour tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online). Ngày 12/9 vừa qua, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề: “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần”. Chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến đã thu hút gần 100 khách tham dự, được phân vào 2 phòng zoom.

Hình thức tham quan online được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên website Bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, Menti, trình chiếu video… đem tới nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới cho khách tham quan thông qua các câu hỏi giao lưu và trò chơi mini game đã bổ sung thêm kiến thức, sự hiểu biết về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc. Trên cơ sở kinh nghiệm và thành công của chương trình thử nghiệm trên, Bảo tàng đang tiếp tục ứng dụng thực hiện giới thiệu các nội dung trưng bày tiếp theo.

Song song với đó là Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Đây là mô hình đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia chương trình tại Bảo tàng, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom.

Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ Bảo tàng cấp mã là có thể vào Zoom tham gia lớp học. Giờ học lịch sử online miễn phí được thực hiện từ tháng 7/2020 đã thu hút nhiều học sinh tham gia.

Tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2,3, 4, 5,6 ở Hà Nội và các tỉnh thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… (trong đó, có một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài).

Học sinh tham gia Giờ học lịch sử online và khách tham quan Tourday online có thể đăng ký trên trang Fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH. Các đơn đăng ký thành công sẽ có thư xác nhận của cán bộ hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.

“Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam mong muốn đưa Bảo tàng đến rộng rãi công chúng hơn đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thu hút khách tham quan phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu thế phát triển công nghệ hiện nay”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích