Bão số 3 đi qua, đường phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ
Bão số 3 đi qua, đường phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ
Tối 7/9/2024, bão số 3 quét qua Hà Nội. Sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12. Gió quần thảo, giật liên hồi trong thời gian dài, cường độ mạnh đã khiến nhiều cây xanh ở Hà Nội ngã đổ, đường phố tan hoang.
Tâm bão Yagi quét qua Hà Nội vào khoảng 20 giờ ngày 7/9, sức gió mạnh nhất cấp 10 (102km/h), giật cấp 12.
Bão số 3 hoành hành tại Hà Nội làm 1 người chết, 3 người bị thương, gãy đổ 2.455 cây xanh, 10 ngôi nhà bị tốc mái, 19 ô tô, xe máy bị hư hỏng…
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố Hà Nội có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Cây đổ kết hợp mưa gió mạnh khiến 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng. Gió giật mạnh khiến 242 bức tường bao bị đổ. Lực lượng chức năng các quận, huyện đang tiến hành dọn dẹp hiện trường các cây xanh bị gãy, đổ…
Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các công ty thủy lợi, tính đến thời điểm cuối giờ chiều ngày 7/9/2024, xuất hiện một số điểm ngập úng tại huyện Phúc Thọ, có 2 ha lúa huyện Thạch Thất bị ngập sâu.
Diện tích lúa bị đổ do gió, bão khoảng 3.559 ha (Ba Vì 40 ha, Chương Mỹ 85 ha, Đan Phượng 1,2 ha, Mê Linh 1 ha, Phú Xuyên 348,7 ha, Phúc Thọ 56 ha, Sơn Tây 50 ha, Thường Tín 670 ha, Ứng Hòa 2.000 ha).
Cây đổ đã làm một số người chết và bị thương. Do ảnh hưởng của mưa bão, hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại khác xảy ra liên quan đến mất điện, sạt lở, sập đổ, tốc mái công trình, xe cộ hư hỏng…
Theo báo cáo của các Công ty Thủy lợi trên địa bàn, đến 18h ngày 7/9 vận hành 22 trạm bơm tiêu với 105 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 567.000 m3/h.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nhất là thực hiện nghiêm việc cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định. Cùng đó, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất…) nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới.
Một số hình ảnh do PV, CTV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận:
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị