Báo nước ngoài trầm trồ trước kiến trúc độc đáo của Tháp Đôi gần nghìn tuổi
Trang The Gulf Observer có bài phân tích sự độc đáo của Tháp Đôi gần nghìn tuổi ở Quy Nhơn.
Tháp Đôi ở Quy Nhơn. Ảnh: The Gulf Observer |
Mới đây, cây bút Muhammad Ali Pasha của The Gulf Observer đã có bài viết giới thiệu về Tháp Đôi ở Quy Nhơn. Đây là 1 trong 8 cụm tháp cổ, là biểu tượng kiến trúc của người Chăm, điểm đến nổi tiếng bậc nhất thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Anh viết, Tháp Đôi được xây dựng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 với những nét kiến trúc đặc trưng dễ nhận biết của người Khmer. Cũng như những tòa tháp khác, mỗi tòa của Tháp Đôi chỉ có một cửa ra vào nhìn về phía Đông.
Tháp Đôi dù đã được xây dựng cách nay gần 1.000 năm vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn bất chấp sự thay đổi của tự nhiên. Chất liệu và kiến trúc đặc biệt của tòa tháp có thể giúp công trình đứng vững sau những trận bão.
Thời điểm mới được xây dựng, công trình gồm 3 tòa tháp kết nối bởi một đường đi ngoằn ngoèo. Nhưng theo thời gian chỉ còn lại 2 tòa tháp. Tòa đầu ở phía Bắc đã bị sập vào thế kỷ 19. Một tòa tháp khác được xây dựng thay thế nhưng cũng không tồn tại được và đến nay trở thành khu đất bỏ hoang với cây cối mọc um tùm.
Hai tòa tháp còn sót lại được bảo tồn rất tốt. Công trình được tôn tạo vào thập niên 1960 nhưng bị ngưng vì nhiều lý do. Tháp Đôi tiếp tục được trùng tu vào thập niên 1990, chủ yếu khôi phục lại nguyên trạng mái của hai tòa tháp trong thời gian từ năm 1990-1995. Diềm mái được chạm khắc bằng đá sa thạch có màu tương tự như nguyên liệu thô được sử dụng trước đó nên du khách có thể nhận thấy sự khác biệt giữa kiến trúc nguyên bản và phần được trùng tu, phục chế.
Kiến trúc của Tháp Đôi có thể nói là hoàn hảo. Một bức phù điêu hình những con khỉ chạy quanh gờ tường và kết thúc tại các bức tượng chim thần Garuda ở góc nhô ra. Từ diềm mái trở lên, Tháp Đôi không giật cấp thành 3 tầng mà thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả.
Mỗi tầng được báo hiệu ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda với đôi chân cong, lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, hai cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của tầng trên tháp. Dù tiếp xúc lâu với hơi muối mặn từ biển nhưng các bức phù điêu vẫn ở trạng thái cực tốt.
Mái của tòa tháp phía Đông cũng được bảo vệ để chống bị đổ sập nhưng quá trình phục chế kiến trúc tòa tháp này còn hạn chế so với tòa phía Bắc. Tác giả bày tỏ sự ấn tượng vì bên trong Tháp Đôi thờ bộ ngẫu tượng Linga – Yoni bằng sa thạch nguyên khối.
Các mảnh vỡ của tòa tháp được bảo quản khá nguyên vẹn và vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định, trong đó có phù điêu các vũ công và khung cửa. Những hiện vật này thể hiện đời sống nghệ thuật cũng như tôn giáo của người Chăm, cho thấy một di sản văn hóa giàu có vẫn đang được bảo tồn.
Nguồn: Báo xây dựng