Bảo hộ quyền SHTT trong kiến trúc: Những vướng mắc

Bảo hộ quyền SHTT trong kiến trúc: Những vướng mắc

MTĐT –  Thứ bảy, 20/08/2022 11:43 (GMT+7)

Để thúc đẩy việc xác lập quyền bảo hộ, cũng như hạn chế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kiến trúc từ nhiều năm nay là bài toán không dễ tìm lời giải.

Quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp?

Hình ảnh cây cầu được nâng đỡ bởi hai bàn tay trong phim The Sandman (Người cát) – bộ phim mới được phát hành và nằm trong danh sách những phim được xem nhiều nhất trên Netflix tuần qua, đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả Việt Nam. Bởi lẽ, thiết kế này rất giống cầu Vàng ở Đà Nẵng, một công trình độc đáo đã thu hút nhiều khách tham quan và giành được nhiều giải thưởng kiến trúc. Bên cạnh sự thích thú, cũng có nhiều băn khoăn rằng liệu đây có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hay không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải xác định cầu Vàng sẽ được bảo hộ quyền SHTT như thế nào?

Với một công trình kiến trúc như cầu Vàng, người ta thường nghĩ đến việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc quyền tác giả. Trong đó, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Thoạt nghe, cầu Vàng có vẻ phù hợp với định nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Nhưng nếu đi sâu vào điều kiện bảo hộ, chúng ta khó có thể xếp cầu Vàng vào hình thức này.

tm-img-alt
Sự tương đồng giữa cầu Vàng ở Đà Nẵng và cây cầu trong phim Sandman. Nguồn: VTV24

Cụ thể, theo quy định của Luật SHTT Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ khi đáp ứng được tính mới (khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai), tính sáng tạo (không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng) và khả năng áp dụng công nghiệp (có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp).

Tuy đáp ứng được hai tính chất đầu tiên, song cầu Vàng có lẽ không thể vượt qua được tiêu chí sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, định nghĩa sản phẩm trong kiểu dáng công nghiệp là những đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập. Tương tự với điều kiện sản xuất hàng loạt, những công trình xây dựng như cầu Vàng khó có thể lưu thông độc lập, nên sẽ xếp vào đối tượng bị loại trừ (hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp), không được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp.

Bỏ qua kiểu dáng công nghiệp, cầu Vàng có thể được bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm kiến trúc. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không quan trọng việc đã đăng ký hay chưa. Phạm vi quyền tác giả sẽ bao gồm quyền nhân thân (đặt tên cho tác phẩm, đứng tên, công bố tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm), quyền tài sản (sao chép, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, làm tác phẩm phái sinh,…).

Vậy cây cầu trong phim The Sandman có xâm phạm quyền tác giả của cầu Vàng hay không? Trước hết chúng ta phải xác định mức độ tương đồng giữa hai tác phẩm – hai cây cầu để xem có hành vi sao chép hay không. Theo ý kiến của một số chuyên gia, những điểm giống nhau trong trường hợp này chưa đến mức đáng kể, và sao chép ở đây là sao chép ý tưởng chứ không hẳn là hình thức diễn đạt ý tưởng – đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Ngoài ra, vấn đề xâm phạm quyền SHTT trong trường hợp cầu Vàng còn phụ thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia. “Công ty sản xuất phim này có rất nhiều bên và phim được sản xuất ở Mỹ, trong khi đó, luật SHTT của mỗi quốc gia đều có sự khác nhau, việc xem xét một chủ thể có là đối tượng được bảo hộ và có hành vi xâm phạm hay không là tùy vào luật định. Các vi phạm quyền tác giả thường có tính quốc tế – xuyên biên giới, việc kiện ra tòa nào, dùng luật nào sẽ vô cùng thiết yếu trong việc xác định vi phạm”, chị Nguyễn Ngọc Trâm, chuyên viên SHTT tại Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman (Hoa Kỳ) nhận xét. “Kể cả việc vi phạm có được khẳng định theo công ước quốc tế chung thì việc đòi bồi thường thiệt hại ở mỗi hệ thống pháp luật là khác nhau. Có quốc gia nếu chủ thể không đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hay quyền tác giả thì vẫn kiện tụng thoải mái nhưng không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Tăng cường bảo hộ quyền SHTT với tác phẩm kiến trúc

Những tranh luận xoay quanh cầu Vàng cũng làm dấy lên mối quan tâm về bảo hộ quyền SHTT trong lĩnh vực kiến trúc – vốn là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay. Các tác phẩm thuộc lĩnh vực kiến trúc được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả bao gồm công trình kiến trúc, bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh. Trong đó, hành vi xâm phạm quyền phổ biến là sao chép bản vẽ thiết kế, hoặc chỉnh sửa thiết kế không hỏi ý kiến tác giả,… “Chúng tôi nhận thấy tác quyền hiện đang là vấn đề nóng làm chúng ta thấy rất lo lắng, nhưng lại thường né tránh và lướt qua những vi phạm, những hành vi ảnh hưởng cho giới kiến trúc sư”, kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trả lời trên tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ hội thảo về tác quyền kiến trúc Việt Nam diễn ra vào tháng 4/2021.

Dù đóng vai trò quan trọng với đời sống nhưng quyền SHTT của tác phẩm kiến trúc có vẻ ít được quan tâm hơn so với các loại tài sản trí tuệ khác. Ngoài Luật SHTT, vấn đề bản quyền của tác phẩm kiến trúc còn được đề cập đến trong Luật Kiến trúc năm 2019. Nhưng “phải nói rằng còn rất ít và chưa có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề xác định phạm vi và bảo vệ quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc”, ông Phong nói. Ngoài ra, trước tình trạng sao chép tác phẩm kiến trúc diễn ra phức tạp như hiện nay, việc chứng minh ý đồ sao chép và tỉ lệ sao chép tới mức vi phạm là thách thức không hề nhỏ.

Nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm kiến trúc ngày càng phổ biến khiến bản thân chủ sở hữu dường như cũng ngại ngần theo đuổi việc bảo hộ. Việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm kiến trúc tuy không bắt buộc nhưng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình bảo hộ và xử lý trong trường hợp xảy ra xâm phạm quyền. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm các từ khóa “bản vẽ”, “thiết kế”, “kiến trúc” trên hệ thống tra cứu niên giám của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT&DL), kết quả cho thấy từ năm 2020 đến nay không có bất cứ tác phẩm nào được đăng ký bảo hộ.

Có lẽ, trong lúc chờ đợi những thay đổi từ phía chính sách theo hướng “siết chặt” hơn việc bảo hộ quyền cho tác phẩm kiến trúc, các tác giả càng phải quan tâm hơn đến vấn đề SHTT.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích