Bao giờ dẹp được “tín dụng đen”?
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo cơ quan Công an, hoạt động cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) kéo theo các hành vi khủng bố tinh thần bằng các hình thức: Đòi nợ thuê, đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội… là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người…
Công an làm việc với đối tượng hoạt động tín dụng đen (ảnh CA cung cấp) |
Các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ…với nhiều cấp độ khác nhau, gây sức ép buộc người vay hoặc những người có quan hệ với người vay phải trả nợ, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.Tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt các đối tượng cho vay có độ “ẩn” ngày càng cao, khó phát hiện. Chúng hoạt động có sự đan xen giữa cho vay “truyền thống” và cho vay trên mạng “công nghệ cao”. Trước đây người đi vay và người cho vay thường sẽ biết tên, tuổi, địa chỉ của nhau.
Tuy nhiên, thời gian gần đây mới xuất hiện một hình thức tín dụng đen, cho vay tiền với phương thức mới, người vay không biết đối tượng cho vay. Cụ thể, qua các diễn đàn, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, người vay chỉ cần để lại số điện thoại, lời nhắn, bài đăng trong nhóm kín facebook, zalo, tiktok… thì các đối tượng cho vay sẽ chủ động liên hệ hoặc chia sẻ khách vay cho nhau để tự tiếp cận, liên hệ người vay tiền. Sau đó các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh căn cước và thông tin địa chỉ cư trú, nơi làm việc… để kiểm tra thông tin. Sau khi thống nhất khoản tiền vay, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng viết giấy vay và thuê “xe ôm” người giao hàng mang đến.
Một xu hướng đang phát triển khá nhiều là các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ cao (như sử dụng các phần mềm, ứng dụng để gọi điện thoại qua Internet đòi nợ; tạo lập, sử dụng các ứng dụng APP, tài khoản mạng xã hội để hoạt động phạm tội qua mạng…).
Các đối tượng hoạt động bằng cách đăng ký thành lập “công ty ma”; sử dụng sim “rác”; mua, bán thông tin để lập các tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng để hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, điều tra truy xét.
Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, thành lập các công ty tài chính, công ty mua bán nợ… nhằm tránh sự chú ý của cơ quan Công an nhưng bản chất là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Các hoạt động mua bán, trao đổi được “dán mác” là các giao dịch dân sự nhưng các đối tượng cho vay đã cố tình “cài” những điều khoản cho vay để ép người vay phải trả nợ nếu không sẽ phạm vào các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự…
Xử lý nghiêm tạo sự răn đe
Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn ra mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu các đơn vị, địa bàn phải chủ động các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả. Khẳng định “nơi nào chỉ huy gương mẫu, trách nhiệm, thì nơi đó đạt hiệu quả”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu lực lượng Công an phải tổng điều tra cơ bản, rà soát kỹ, tuyệt đối không để lọt địa bàn, đối tượng; phải gọi hỏi răn đe những trường hợp có biểu hiện nghi vấn và xác lập đấu tranh chuyên án những đối tượng, đường dây tội phạm. Cùng với việc nhận thức rõ giữa tội phạm truyền thống và tội phạm công nghệ cao, phải tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh tội phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa trấn áp mạnh mẽ…
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng Công an quận Hà Đông, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm về số vụ, giảm về tính chất, mức độ nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, huy động vốn trái phép không còn công khai như trước. Các hành vi siết nợ, đòi nợ gắn với sử dụng bạo lực, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật hoặc các hành vi gây rối trật tự công cộng như đổ chất bẩn, chất thải…giảm rõ rệt.
Theo đó, Công an quận đã mở hồ sơ quản lý đối với 100% cơ sở cầm đồ và cơ sở kinh doanh hoạt động tài chính trên địa bàn quận. Định kỳ hàng tháng tiến hành rà duyệt, kịp thời đưa vào quản lý những cơ sở, đối tượng mới phát sinh. Đồng thời tổ chức phân công, phân cấp quản lý các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn, tập trung vào các cơ sở kinh doanh có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận thực hiện chương trình “Sổ tay công tác an ninh” cung cấp các tin, bài, chuyên mục phát thanh về phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa, ý thức cảnh giác đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cũng như kết quả đấu tranh xử lý của lực lượng Công an quận đối với mỗi vụ việc xảy ra trên địa bàn để quần chúng nhân dân biết, nâng cao cảnh giác tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”…
Minh Phương
Nguồn: Báo lao động thủ đô