Báo động về tình trạng ô nhiễm thủy ngân tại Bắc Cực
Báo động về tình trạng ô nhiễm thủy ngân tại Bắc Cực
Các dấu hiệu của sự hấp thụ thủy ngân trong các vòng sinh trưởng của cây cho thấy hóa chất này lần đầu tiên xuất hiện nhiều ở Bắc Cực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp vào giữa những năm 1800.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các nhà hoạt động về môi trường đang bày tỏ quan ngại sau khi một báo cáo tiết lộ nồng độ thủy ngân trong khí quyển ở Vòng Bắc Cực đã tăng 10 lần kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp vào giữa những năm 1800, gây ra những rủi ro ngày càng lớn đối với sức khỏe của cộng đồng bản địa và động vật hoang dã trong khu vực.
Báo cáo do Chương trình Giám sát và Đánh giá Bắc Cực (AMAP) thuộc Hội đồng Bắc Cực (một liên minh gồm 8 quốc gia) thực hiện đã xem xét dữ liệu trong 20 năm từ nhiều nghiên cứu khác nhau để đưa ra những lý giải toàn diện nhất cho đến nay về cách thủy ngân xuất hiện trong nước, khí quyển và đất ở Bắc Cực.
Theo báo cáo, các dấu hiệu của sự hấp thụ thủy ngân trong các vòng sinh trưởng của cây cho thấy hóa chất này lần đầu tiên xuất hiện nhiều ở Bắc Cực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp vào giữa những năm 1800 và sau đó tiếp tục được tích lũy.
Ngày nay, 90% ô nhiễm thủy ngân đến từ khí thải công nghiệp và các hoạt động khác của con người. Khoảng 98% lượng khí thải này được tạo ra ở xa Vòng Bắc Cực nhưng được khí quyển, sông và đại dương mang về phía Bắc, khiến nồng độ nguyên tố này cao hơn so với các khu vực phía Nam.
Các sinh vật sống dưới nước như sinh vật phù du hấp thụ thủy ngân lơ lửng trong nước đại dương và truyền nó cho động vật ăn chúng. Điều này dẫn đến hàm lượng thủy ngân cao ở các loài động vật trong chuỗi thức ăn, trong đó có gấu Bắc Cực và hải cẩu.
Cuối cùng, các hợp chất độc hại có thể được truyền sang các cộng đồng bản địa sinh kế bằng săn bắt, gây nguy hiểm cho những người vốn đã tiếp xúc với thủy ngân nhiều nhất trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các hợp chất thủy ngân ngấm vào môi trường từ băng tan và lớp băng vĩnh cửu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm ấm và axit hóa nước biển, có thể khiến động vật biển di chuyển về phía Bắc, nơi nồng độ thủy ngân trong khí quyển cao hơn.
Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét các giới hạn nghiêm ngặt nhưng khả thi đối với lượng khí thải để có thể làm giảm nồng độ thủy ngân ở Bắc Cực trong thời gian gần và trung hạn, và tiến hành giám sát trong khu vực với sự cộng tác của các cộng đồng bản địa chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Rất khó để đánh giá toàn bộ các loài động vật ở Bắc Cực đang bị đe dọa như thế nào, vì mỗi loài tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi thủy ngân là khác nhau. Bằng cách phân tích các loài riêng lẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều loài động vật đang đối mặt với mức độ rủi ro thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, những hậu quả lâu dài khi phơi nhiễm thủy ngân hiện chưa được nghiên cứu kỹ và liên tục thay đổi dưới áp lực của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu Đánh giá Thủy ngân Toàn cầu năm 2018 của Liên hợp quốc đã xác định các cộng đồng bản địa ở Bắc Cực là một trong những cộng đồng tiếp xúc với thủy ngân nhiều nhất thế giới.
Nguyên tố này được hấp thụ chủ yếu từ các loại thực phẩm được săn bắt tại địa phương như hải cẩu và cá hồi chấm hồng Bắc Cực. Phụ nữ mang thai là những người dễ bị tổn thương nhất, vì thủy ngân có thể làm giảm sự phát triển não của thai nhi trong tử cung./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị