Báo động trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”: Bài 3 – Nuôi ổ vi khuẩn từ dây rốn tự nhiên
Báo động trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”: Bài 3 – Nuôi ổ vi khuẩn từ dây rốn tự nhiên
Những người theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” cho rằng, giữ nguyên dây rốn của trẻ dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi tự hủy sẽ giữ lại tế bào gốc và tủy sống cho em bé nhưng lại không hay biết chính họ đang nuôi ổ vi khuẩn.
Theo ý kiến của những người theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”, việc không cắt dây rốn sẽ giúp em bé nhận được đầy đủ nhất máu và tế bào gốc từ bánh nhau. Tế bào gốc sẽ được dự trữ ở phổi và tuỷ sống trong cơ thể em bé. Mẹ sẽ giảm được nguy cơ băng huyết vì bánh nhau sẽ được bong tự nhiên không tổn thương tử cung của mẹ.
Họ cho rằng khi sinh con tại các bệnh viện các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ tự cắt dây rốn ngay sau sinh khiến cho đứa trẻ sau này có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh.
Một tài khoản đăng lên mạng xã hội clip em bé mới được sinh ra vẫn còn giữ nguyên dây rốn (Ảnh chụp màn hình)
Chia sẻ về vấn đề này với PV Gia đình Việt Nam, Ths. BS Phan Thu Hằng – Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc để dây rốn của em bé tự rụng sau khi sinh là điều hết sức nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiễm trùng sơ sinh cũng như nhiễm trùng hậu sản.
Theo bác sĩ Hằng, việc cắt dây rốn là cần thiết nhưng chỉ cắt khi dây rốn đã ngừng đập. Cụ thể, sau sinh không cắt dây rốn vội mà cho bé nằm lên ngực trần của người mẹ, sẽ cắt dây rốn chậm sau 1-3 phút đầu tiên sau sinh.
“Không phải khi em bé vừa ra đời, dây rốn đã ngừng đập ngay mà đập thêm trong khoảng vài phút sau đó vì đây là khoảng thời gian sẽ dồn được lượng máu từ mẹ sang con tối đa hơn nữa.
Nếu rụng sẽ rụng ở rốn, thành bụng của em bé, vì thế trường hợp sinh thuận tự nhiên không cắt dây rốn mà chờ tự rụng thì phải mất tầm 7 – 8 ngày, trong thời gian đó em bé không tách ra khỏi bà mẹ được”, bác sĩ Hằng phân tích.
Tuy nhiên, khi dây rốn đã ngừng đập, giữa nhau và trẻ không còn lưu thông máu, nghĩa là nhau đã không còn tác dụng, giữ lại nhau đang chết dần do không được nuôi dưỡng thì không có tác dụng gì.
Ngoài bất tiện tắm rửa, vệ sinh cho bé thì lo ngại lớn nhất là bánh rau đang chết dần có nguy cơ nhiễm trùng rất cao và có thể lan sang cơ thể bé. Bánh rau đặc biệt dễ bị nhiễm trùng vì chứa nhiều máu và có lượng protein rất lớn…, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, mặt khác ở đường sinh dục của mẹ luôn có nhiều loại vi khuẩn cư trú, nhau xổ sẽ đem theo chúng.
Ths. BS Phan Thu Hằng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC)
Bên cạnh đó, bác sĩ Hằng cho biết thêm, nếu sản phụ tự sinh con tại nhà, không có bất kỳ sự giúp đỡ nào của bác sĩ cũng như không cắt dây rốn và không tiêm phòng cho trẻ là cực kỳ nguy hiểm.
“Cắt dây rốn ở nhà bằng các trang thiết bị không được tiệt trùng, vô khuẩn sẽ gây thuật rốn, uốn ván rốn cho em bé. Trong đó, uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao do suy hô hấp cấp và nhiễm trùng”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.
Hơn nữa, trẻ sau khi ra đời sẽ được cho tiêm phòng nhiều thứ, đặc biệt tiêm phòng vitamin K để dự phòng xuất huyết sau sinh vì hầu như em bé nào sau sinh cũng đều thiếu vitamin K. Do đó, cần tiêm vitamin K ngay 24h đầu sau sinh.
“Trường hợp em bé sinh tại nhà, không được tiêm phòng sẽ giảm yếu tố đông máu của em bé, nguy cơ xuất huyết não của em bé rất cao”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.
Vừa qua, vào tháng 9/2023 tại Nghệ An đã xảy ra trường hợp gia đình tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo sau khi sinh khiến trẻ sơ sinh bị uốn ván, phải nhập viện cấp cứu.
Cụ thể, bệnh nhi chào đời đủ tháng, đẻ tại nhà, người thân tự đỡ đẻ cho sản phụ. Sau sinh, gia đình tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo thường.
6 ngày sau sinh, bệnh nhi xuất hiện bú kém kèm ngủ li bì. Bệnh nhi quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người. Gia đình đưa bệnh nhi vào Bệnh viện huyện Kỳ Sơn và nhanh chóng chuyển tuyến cấp cứu xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Qua thăm khám, khai thác bệnh sử, được biết gia đình đã tự sử dụng kéo để cắt dây rốn, trong khi trong quá trình mang thai, mẹ không tiêm phòng uốn ván. Bệnh nhi được bác sĩ xác định bị uốn ván rốn và được cách ly điều trị riêng tại Khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh trong môi trường phòng bệnh kín, tránh ánh sáng, tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Trải qua 2 tháng điều trị, bệnh nhi hết tình trạng nhiễm trùng, co giật, dần dần bú tốt. Khi bệnh nhi được xuất viện, các bác sĩ đã hướng dẫn chi tiết mẹ cách chăm sóc, theo dõi và tái khám trong thời gian tới.
Việc cắt dây rốn là cần thiết nhưng chỉ cắt khi dây rốn đã ngừng đập (Ảnh minh họa)
Đáng nói, những người đi theo trào lưu “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà quên rằng “gái chửa là cửa mả” mà thời điểm “vượt cạn” là nguy hiểm nhất, bởi không ít ca sinh, ranh giới sống – chết rất mong manh.
Theo Bộ Y tế, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á – về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4.
Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong. Trong khi đó, tử vong mẹ mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao.
Việt Nam hiện nay còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị, đồng bằng…
Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai vẫn có tỉ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi cao nhất hiện nay, gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.