Báo động tình trạng phát sinh chất thải nguy hại từ khu công nghiệp
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân khiến KCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như: tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa giải phóng được mặt bằng xây khu xử lý nước thải, thiếu vốn đầu tư.
Đáng lưu ý, hiện nay, 100% KCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Cả nước có hơn 12.200 cơ sở hoạt động trong KCN, phát sinh hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn. Trong đó, KCN tại vùng Đông Nam Bộ chiếm 61,02 %. Chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN hàng năm khoảng 550.000 tấn. Các KCN tại trung du miền núi phía Bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra 242 cơ sở, dự án bao gồm các KCN và dự án trong KCN. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: công trình bảo vệ môi trường khi xây dựng sai khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường; thiếu báo cáo giám sát chất thải định kỳ; lưu giữ và chuyển giao chất thải; trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải theo quy định.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội đánh giá, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Một số KCN chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, chưa có sự giám sát thường xuyên các hoạt động xả thải, nhất là khí thải. Tác động về môi trường của một số KCN có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư xung quanh.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng cần sớm cụ thể hóa tiêu chí KCN sinh thái với những chính sách ưu đãi cụ thể, nhất là về tiếp cận đất đai, quy hoạch, vốn và khoa học công nghệ, trong đó cần cụ thể hóa trách nhiệm các bên liên quan như cơ quan quản lý, chủ đầu tư, chính quyền địa phương…
TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 ngày 28 tháng 05 năm 2022 với các định nghĩa rõ lại các KCN như KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN mở rộng; quy định hướng dẫn chi tiết việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình KCN… Nhưng phát triển các KCN xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, vẫn còn các quy định và định hướng phát triển các KCN được đưa ra nhưng nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp quy khác, trong các bộ luật liên quan như đất đai, xây dựng, môi trường và thủ tục hành chính vẫn cần được hoàn thiện hơn.
“Khắc phục được những hạn chế này mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình KCN có hiệu quả cao, theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn tới”, ông Thắng nhấn mạnh.
Với những khó khăn và thách thức hiện tại, việc khắc phục những hạn chế này sẽ là chìa khóa để thúc đẩy nhanh chóng việc phát triển các loại hình KCN có hiệu quả cao và theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao. Đây là một mục tiêu mà cả chính phủ và xã hội cần phải đồng lòng hợp tác để đạt được.
Duy Trinh (t/h)