‘Báo động’ tình trạng ô nhiễm không khí từ 80,6 triệu phương tiện giao thông cá nhân
Theo dữ liệu của trang IQAir, trong những ngày gần đây chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 213, đứng thứ 2 thế giới. Đây là ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn luôn nằm ở ngưỡng báo động.
Thậm chí, ngày 7/10, cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đều trong top những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội là 174 – mức ô nhiễm nhất thế giới; chỉ số này tại TP.HCM là 147 – đứng thứ 7 thế giới, chất lượng không khí không tốt cho các nhóm người nhạy cảm.
Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá, Hà Nội cũng như rất nhiều thành phố của Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính đến từ phương tiện giao thông cá nhân. Chúng ta có rất nhiều xe máy, ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Xe máy chưa có quy định kiểm soát khí thải, xả khói đen bao nhiêu cũng được. Đó là những nguồn ô nhiễm không khí rất đáng kể đối với thành phố.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào năm 2023, tại các đô thị lớn ở nước ta, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm, cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân.
Các phương tiện giao thông cá nhân đang là ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều thành phố của Việt Nam. Ảnh minh họa
Các chuyên gia tính toán, nếu mỗi chiếc xe ô tô, xe máy lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 80,6 triệu ‘trạm’ phát thải như vậy (theo số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023). Trong đó, có hơn 6,3 triệu ô tô và 74,3 triệu xe máy.
Những chiếc xe ô tô, gắn máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch này không chỉ là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, mà còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Ông Pattrick Haverman – Phó trưởng đại diện tại Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (United Nations Development Programme – UNDP) dẫn số liệu quốc gia năm 2016, ngành giao thông vận tải đóng góp khoảng 18% lượng khí nhà kính. Từ đó cho thấy, nếu không có hành động ngăn chặn ngay từ bây giờ, lượng khí thải này sẽ tăng lên mức 64,3 triệu tấn carbon vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn carbon vào năm 2030.
Thế nên, việc chuyển đổi hoặc thậm chí “đóng cửa” các nguồn phát thải này là cần thiết và cấp bách. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn là một nhiệm vụ quan trọng nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon, xe điện là một loại phương tiện giao thông giảm phát thải khí nhà kính đầy triển vọng trong những thập kỷ tới. Song, ông lưu ý đến việc cần thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng đối với xe điện hiện nay. Kinh nghiệm một số nước trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xe xanh là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đơn cử, tại Hàn Quốc, toàn bộ xe công đều là hàng sản xuất nội địa, từ đó tạo niềm tin với người tiêu dùng, tạo ra phong trào toàn dân ưu tiên sử dụng hàng trong nước. Việc mua sắm xe công ở nước ta cũng có thể chuyển từ xe xăng sang xe điện để nêu gương cho dân.
Thực tế, thời gian gần đây nhận thức người dân, doanh nghiệp về xe điện dần thay đổi. Xe điện được chú ý và là chọn lựa ưu tiên, bởi nó không chỉ tiết kiệm chi phí hơn xe xăng mà còn góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Đi đầu trong chuyển đổi sang “xe xanh”, Bộ Công an mới đây đã thí điểm mua 70 xe điện để phục vụ cho lực lượng CSGT, đồng thời có định hướng tăng cường triển khai chuyển đổi xe của ngành công an sang sử dụng các phương tiện xe điện. Ngoài ra, giao cho công an các địa phương chủ động triển khai các trạm sạc điện, khuyến khích lực lượng của ngành tăng cường sử dụng xe điện…
Cuối tháng 9 vừa qua, hơn 50 doanh nghiệp vận tải ở nước ta lần đầu tiên đã cùng đoàn kết, quyết tâm vì mục tiêu chung chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh hướng tới phát triển bền vững.
Để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường do khí thải động cơ như hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 27/06/2024, trong đó có nhiều nội dung mới bao gồm việc kiểm định khí thải xe máy. Theo đó xe máy phải kiểm định khí thải tại các trung tâm đăng kiểm từ đầu 2025 trở đi.
Việc kiểm định khí thải do đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Sau đó, giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục. So với ô tô và xe máy chuyên dùng thì xe máy phổ thông không phải kiểm định an toàn kỹ thuật. Các thông tin về thời hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành trong thời gian này.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải Mức 5 đối với xe ô tô
Bộ Gia thông vận tải đã ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư Sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Số hiệu Sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2024.
Theo đó các trường hợp không phải thử nghiệm lại khí thải bao gồm: Các kiểu loại xe ô tô hoặc động cơ xe ô tô đã được cấp Báo cáo thử nghiệm khí thải phù hợp với QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Các xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam từ xe ô tô cơ sở (từ xe ô tô sát xi hoặc từ xe ô tô hoàn chỉnh) đã được cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (xe nhập khẩu).
An Dương (T/h)