Báo động tình trạng người điều khiển giao thông sử dụng ma tuý, rượu bia
(Xây dựng) – Thí điểm kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 20 của lực lượng Cảnh sát giao thông, chỉ trong 15 ngày từ 15-30/11/2023, đã phát hiện gần 150 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma tuý.
Theo số liệu khảo sát của Bộ Công an, trên 50% số phạm nhân phạm tội Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia trước khi gây tai nạn. Chỉ tính 10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã phát hiện trên 2.000 trường hợp lái xe sử dụng ma tuý, hàng trăm ngàn người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Phóng viên Báo Xây dựng có cuộc trao đổi cùng Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an về tình hình giao thông với những con số rất đáng báo động và lo ngại nêu trên.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng Phòng Tuyên truyền Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn trong việc giảm tai nạn giao thông thời gian qua?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Bộ Công an đã xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông, vì thế đã chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân (CAND), trọng tâm là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phải đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm.
Đặc biệt trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này. Kết quả sau 11 tháng đầu năm 2023 đã xử lý 696.264 tường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23% so với tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông, tức là trung bình 1 ngày xử lý hơn 2.000/t.h vi phạm nồng độ cồn.
Trong 09 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn giao thông xảy ra 222 vụ trật tự giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 77 vụ (-25,8%), giảm 99 người chết (-50%), giảm 49 người bị thương (-22,6%).
PV: Việc tăng cường xử lý nghiêm việc lái xe khi có nồng độ cồn có thể tạo tác động tích cực như thế nào trong cộng đồng, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình”, mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó sẽ dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia”.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia điều khiểu phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. |
Ngoài ra việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giúp xã hội an bình hơn.
PV: Theo ông có nên nâng mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn và người chống đối để tạo sức răn đe?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã ở mức cao; mức vi phạm cồn cao nhất đối với điều khiển xe mô tô là 8 triệu đồng, đối với xe ô tô là 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng và kể cả với hành vi không chấp hành việc kiểm tra cồn của người lái xe, người điều khiển phương tiện.
Vẫn cần có thêm những quy định cụ thể đối với pháp luật về hình sự trong việc xem xét xử lý đối với hành vi có nguy cơ gây ra thiệt hại đến mức đặc biệt nghiêm trọng là như thế nào (khoản 4 điều 260), ví dụ như đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì được xem như vậy.
PV: Lãnh đạo Bộ Công an nhận định như thế nào về các lo ngại của một số ít đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định cấm điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trên trong thực tế.
PV: Bộ Công an có kế hoạch, chiến lược truyền thông gì để thúc đẩy sự ủng hộ của Đại biểu Quốc hội và người dân trong việc hiểu rõ và chấp hành quy định cấm điều khiển khi có nồng độ cồn?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Chúng tôi vẫn tập trung vào việc truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc điều khiển phương tiện trong cơ thể có vi phạm nồng độ cồn. Xin đơn cử như sau: Trong thời gian thực hiện kế hoạch 3876 (29/8/2023 đến 15/10/2023) toàn quốc xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do sử dụng rượu bia, làm chết 19 người, bị thương 48 người. So với cùng kỳ giảm 30 vụ (-37,5%), giảm 21 người chết (-52,5%), giảm 16 người bị thương (-25%). So với thời gian trước liền kề giảm 28 vụ (-35,90%), giảm 17 người chết (-47,22%), giảm 01 người bị thương (-2,04%). Tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra. So với cùng kỳ và trước liền kề số vụ, số người chết, số người bị thương không tăng không giảm. Tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra 05 vụ, làm bị thương 06 người. So với cùng kỳ giảm 05 vụ (-50%), giảm 7 người chết (-100%)), giảm 02 người bị thương (-25%). So với trước liền kề giảm 02 vụ (-28,57%), giảm 04 người chết (-100%), giảm 03 người bị thương (-100%).
PV: Việc quy định nồng độ cồn 0% trong máu và hơi thở liệu có cứng nhắc không khi người dân, theo thói quen, tuy không uống rượu, bia nhưng cũng có những loại thực phẩm, đồ uống có lên men như hoa quả, rượu nếp? Hay người dân buộc phải thay đổi các thói quen đó khi tham gia giao thông?
Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung, tâm lý tốt, vì đây là việc điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ (được quy định trong Bộ luật dân sự), tiềm ẩn các nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đòi hỏi phải có sự an toàn.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có những nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể mới quy định tịa khoản 6 Điều 5 (bãi bỏ khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
Không chỉ rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác cũng bị cấm; ngay cả đối với một số loại thuốc tân dược, trong khuyến cáo sử dụng thuốc và yêu cầu y lệnh của bác sĩ cũng khuyến cáo việc uống thuốc không được lái xe hoặc điều hành máy móc…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng