Báo động thuốc lá điện tử “xâm nhập” giới trẻ
Quảng cáo hướng vào giới trẻ
Mặc dù thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là mặt hàng cấm quảng cáo nhưng trên thực tế không khó để bắt gặp các quảng cáo thuốc lá điện tử trên nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng chục triệu kết quả. Tại các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ hay dùng như TikTok, Facebook, Zalo… việc quảng cáo thuốc lá điện tử gần như tự do và ít bị kiểm soát. Các giao dịch mua bán được đăng tải công khai. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, hoặc mua bán thuốc lá điện tử.
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, một số group chuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thuốc lá thế hệ mới, người viết thấy có tới hàng chục nghìn thành viên. Đáng nói là, đối tượng của các quảng cáo này nhắm đến là giới trẻ. Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn như kẹo, trái cây, trà sữa… cùng những lời quảng cáo: “không gây hại”, “hút thuốc lành mạnh”, “sành điệu”, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Điều này được chứng minh tại các bệnh viện khi gần đây đã ghi nhận nhiều trẻ bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Trước đó, trong tháng 11/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin đã cấp cứu cho một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đến viện trong trong tình trạng hoảng sợ, khó thở và co giật sau khi hút thuốc lá điện tử. Gia đình bệnh nhân cho biết bé trai là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bố đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm, giám sát. Gần đây, con trai hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ bé sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, nam sinh này đã tự mua thuốc lá điện tử trên mạng để hút.
Trên thực tế, việc kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội thời gian qua được ứng dụng mạnh mẽ. Điều này có ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là quản lý thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin không được đưa ra bởi những nguồn tin chính thống. Trong số này, đáng ngại nhất là việc quảng cáo, kinh doanh những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ trên môi trường mạng.
Quản lý như thế nào?
Trao đổi về vấn đề nay, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết, có thể khẳng định, không gian mạng hiện nay là một phương thức mới cung cấp thông tin và chứng tỏ ưu việt của nó rất dễ tiếp cận đến được với mọi đối tượng, đa chiều và trên toàn thế giới. Đây là phương thức tốt để truyền thông, tuy nhiên về cơ chế quản lý vẫn còn những điểm chưa dự liệu hết được. Bởi sự phát triển của công nghệ 4.0, 5.0 nó là câu chuyện về công nghệ thông tin, về những phương thức truyền thông mới.
Cũng theo bà Trần Thị Trang, tại những nghiên cứu của một số tổ chức như: Hội Y tế công cộng, Đại học Thương mại, tổ chức HealthBridge… cho thấy quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng gần như tự do và ít bị kiểm soát, chính do tính sẵn có và dễ tiếp cận của môi trường mạng, thậm chí có cả những người nổi tiếng cũng tham gia quảng cáo sản phẩm. Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa có kế hoạch, chiến lược đầu tư mạnh vào kiểm soát các hành vi quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng. Đây là vấn đề đáng báo động.
Các chuyên gia y tế cho biết, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nicotine còn làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ… Các chuyên gia y tế cũng tỏ ra lo ngại khi giới trẻ đang lan truyền thông tin sai lầm là thuốc lá điện tử không có hại như thuốc lá truyền thống và khi sử dụng thuốc lá điện tử làm cho các bạn trẻ trở nên sành điệu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, thuốc lá điện tử độc hại không kém thuốc lá truyền thống. |
Để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, theo bà Trần Thị Trang, phải quản lý được việc cung cấp thông tin đến các đối tượng người dùng, trên các kênh mà giới trẻ hay dùng nhất như Zalo, TikTok, Facebook.. Đây cũng là những kênh bán hàng mà những người bán chính thức lẫn những người bán dưới dạng xách tay, không đăng ký kinh doanh đều tiếp cận.
Do vậy, phải quản lý công cụ này đến tận người dùng và bằng cách phối hợp các cơ quan của Việt Nam với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. “Đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm cấm quảng cáo. Rõ ràng, việc quảng cáo trên môi trường mạng là bất hợp pháp. Do vậy, chúng ta phải tính toán đến việc rà soát, phát hiện để xử phạt”, bà Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Trang là cần có sự kiểm soát của cha mẹ đối với trẻ em. Hiện nay, ở nhiều gia đình, trẻ em cấp 2 đã được dùng điện thoại thông minh một cách thoải mái. Do vậy vấn đề phối hợp của gia đình để quản lý, định hướng cho trẻ em liên quan đến các sản phẩm này là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về các hoạt động trên mạng xã hội cần yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng phải có biện pháp bảo vệ trẻ em không tiếp cận với những thông tin về thuốc lá.
Nguồn: Báo lao động thủ đô